Saturday, October 2, 2021

BÀI 198: ĐIỀU TRẦN – TƯỚNG NÓI GÀ, TỔNG THỐNG NÓI VỊT

    Ngày thứ Ba đầu tuần rồi, 3 ông tướng bốn sao của Mỹ đã bị lôi ra trước quốc hội điều trần về cuộc tháo chạy thê thảm khỏi Afghanistan, nhân đó, tướng tổng tham mưu trưởng cũng đã bị chất vấn về hai cuộc điện đàm với tướng TC. 

    Tướng Lloyd Austin bộ trưởng Quốc Phòng, tướng Mark Milley chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tướng Frank McKenzie tư lệnh Bộ Chỉ Huy Central Command chịu trách nhiệm mặt trận Trung Đông, đã bị triệu ra trước Ủy Ban Quân Lực thượng viện sáng thứ Ba đầu tuần, rồi chiều ngày đó trước phiên họp mật của Ủy Ban; và qua thứ Tư, ra trước Ủy Ban Quân Lực của hạ viện.

    Một điều trần mang nặng tính bi hài kịch.

   Như tất cả các cuộc điều trần, tính phe đảng của các nghị sĩ và dân biểu được phơi bày rõ rệt cho cả nước thấy. Các ông bà CH đều hỏi những câu hóc búa có tính kết tội các tướng và chính quyền Biden, trong khi các ông bà DC đều hỏi những câu có tính mớm mồi cho các tướng biện giải và ủng hộ các quyết định của cụ Biden.

    Tóm lại, cuộc điều trần đưa ra ánh sáng nhiều vấn đề then chốt bài này sẽ tóm lược qua. Dù vậy, sau cuộc điều trần, nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời. Và sẽ không bao giờ có câu trả lời. Tấn tuồng tới đây coi như hạ màn, sẽ chẳng có ông tướng nào bị ra tòa, trong khi anh nhà báo Woodward, tha hồ hốt bạc triệu tiền bán sách.


     Tướng Milley xác nhận đã có hai cuộc điện đàm với tướng tổng tham mưu trưởng Hồng Quân TC, nhưng cho biết cuộc gọi đầu tiên là theo chỉ thị của bộ trưởng QP Mark Esper, có 8 người hiện diện, và cuộc gọi thứ nhì trong phòng họp với hiện diện của 11 người, ngay sau đó cũng đã được báo cáo cho tân bộ trưởng QP Chris Miller, ngoại trưởng Mike Pompeo, và chánh văn phòng của TT Trump Mark Meadows. Cả hai cuộc gọi chẳng có gì là bí mật như anh Woodward quảng bá công trạng đã xì được tin mật, và vài con Vẹt tị nạn làm công tác vẹt nhai lại.

    Theo tướng Milley, đây là những cuộc điện đàm bình thường trong mục đích giữ liên lạc giữa các đại cường, không có gì là bất hợp pháp. 

    Điều bất bình thường là 1) trước điều trần, cả hai ông bộ trưởng QP Esper và Miller đều cho biết chẳng ông nào đã trực tiếp ra lệnh cho tướng Milley gọi cho tướng TC, mà chỉ có thông lệ là bộ QP giữ liên lạc thường xuyên với các đại cường, thường là ở cấp nhỏ hơn, không phải cấp tổng tham mưu trưởng; 2) ngay sau điều trần, cựu ngoại trưởng Pompeo cho biết ông không hề được tướng Milley thông báo gì hết. Ai nói láo đây?


     Tướng Milley bác bỏ tin ông đã hứa với tướng TC sẽ thông báo trước nếu Mỹ quyết định tấn công TC như nhà báo Woodward xì ra. Theo tướng Milley, ông tuyệt đối không thể nào có ý định phản quốc, thông báo cho địch biết nếu Mỹ muốn dùng yếu tố bất ngờ để tấn công địch, nhất là qua một cuộc điện đàm công khai với cả chục người ngồi nghe. Theo tướng Milley, trong tình trạng hiện tại, nếu có chiến tranh xẩy ra thì đó sẽ là hành động cuối cùng của một tiến trình xung đột mà trước đó, chắc chắn đã có những tranh cãi và trao đổi liên lạc giữa các bên, và trong tiến trình đó, ‘có thể’ -probably- ông sẽ có dịp nói chuyện trực tiếp với tướng TC. Tướng Milley cho biết trong cuộc điện đàm với tướng TC, ông đã nói “có thể tôi sẽ gọi cho ông” (nguyên văn: “I probably will call you”).

    Câu chuyện theo tướng Milley kể lại, khác rất xa những gì anh nhà báo Woodward viết trong sách PERIL của anh ta. Nếu đúng như vậy thì tướng Milley đã chẳng phạm tội phản quốc ghê gớm gì. Chỉ có Woodward phạm tội bóp méo xuyên tạc để bán sách thôi.


     Tướng Milley gọi điện thoại cho tướng TC một phần vì theo thủ tục bình thường là giữ liên lạc với các đại cường, nhưng phần quan trọng hơn là vì ông đã nhận được tin tình báo cho biết TC đang lo ngại trước tình trạng bất ổn của chính trường Mỹ (là điều ông đã trình bày chi tiết hơn trong cuộc họp mật với Ủy Ban Quân Lực của thượng viện), chứ không phải tướng Milley sợ TT Trump lên cơn điên như Woodward và TTDC hô hoán và truyền thông Vẹt nhai lại. Ông xác nhận là ông biết và tin chắc TT Trump không hề có ý định đánh TC. 

    Diễn giải TT Trump bị nghi ngờ có thể lên cơn điên lấy quyết định đánh TC là do anh Woodward nấu nướng ra, TTDC thổi phồng lên, và vài cụ cuồng chống Trump như các cụ VVLộc và TVTích lập lại, chỉ vì muốn khai thác cơ hội bôi bác, chê TT Trump điên. Tướng Milley trong cuộc điều trần đã khẳng định ông tuyệt đối không bao giờ có ý nghĩ vi phạm Hiến Pháp để cứu nước Mỹ như TTDC và các cụ cuồng chống Trump bào chữa cho ông ta. 

    Cả hai cuộc điện đàm đều có sự hiện diện của cả chục người, có thu âm và biên bản làm tài liệu chính thức, do đó, không thể có chuyện tướng Milley dám bàn chuyện phản quốc, rồi nói láo trước thượng viện. Do đó, quả thực là anh Woodward hoặc đã nói láo, hoặc đã tô vẽ sự thật để có tính hấp dẫn, bán sách nhiều hơn.


     Tướng Milley cho biết ông không hề điện thoại cho bà chủ tịch hạ viện Pelosi mà chính bà đã gọi cho ông hỏi về thủ tục bấm nút bom nguyên tử, và ông đã giải thích cho bà, đồng thời xác nhận cho bà biết là việc bấm nút bom nguyên tử không giản dị, tổng thống không phải là người duy nhất có quyền ra lệnh bắn là bắn ngay. 

    Nhà báo tự phong Ng Tài Ngọc viết “Pelosi nói tâm thần Trump không bình thường, và Milley đồng ý với sự quan sát của Pelosi”. Fake news 100%. Chỉ không biết là NgTNgọc nói láo hay nhai lại tin fake news anh ta lượm được đâu đó thôi. Tướng Milley cho biết ông không đủ khả năng chuyên môn để chẩn đoán bệnh tâm thần của bất cứ ai, đặc biệt là tổng thống tổng tư lệnh quân lực.


     Tướng Milley cũng cho biết là ông đã ra lệnh duyệt xét và cập nhật thủ tục bấm nút theo đúng chính sách của quân đội đã làm từ lâu nay, luôn luôn cập nhật và duyệt xét thủ tục, không có lý do đặc biệt nào. Ông cũng xác nhận ông tuyệt đối không có quyền can dự và thay đổi bất cứ gì trong quy trình này, nhưng trong tư cách tổng tham mưu trưởng ông phải được thông báo, và ông chỉ nhắc lại là ông cần được thông báo -informed- thôi, chứ không có chuyện ông ra lệnh phải chờ phép của ông như anh Woodward xuyên tạc.

    Diễn giải của Woodward là tướng Milley ra lệnh cho các tướng không được thi hành lệnh của tổng thống nếu không được phép của ông nghe hoàn toàn trái với thủ tục quốc phòng, vi phạm Hiến Pháp cũng như hệ thống quân giai, mà một đại tướng tổng tham mưu trưởng không thể ngớ ngẩn vi phạm thô bạo như vậy được. Chỉ có mấy anh nhà báo chưa bao giờ đi lính mới có thể có những ý nghĩ vô kỷ luật như vậy.


     Tướng Milley bị tố đã hợp tác với ít nhất 3 nhà báo để viết sách chống TT Trump. Ông bác bỏ và cho rằng ông chỉ làm trách nhiệm thông báo cho truyền thông các việc làm của quân lực thôi. Ông cho biết không thể bình luận về những gì họ viết vì sách chưa phát hành và ông chưa được đọc.

    Ở đây, lý luận của tướng Milley nghe không ổn chút nào. Ông không phải là viên chức chính trị, không có bổn phận phải nói chuyện với các nhà báo, tiết lộ những tin về quốc phòng hay an ninh quốc gia gì hết. Đó không phải là trách nhiệm của một quân nhân. Hơn nữa, các cơ quan lớn như bộ QP, Ngũ Giác Đài,… đều có phát ngôn viên chính thức, không tới phiên tướng tổng tham mưu trưởng phải cung cấp tin tức cho thiên hạ viết báo hay viết sách. Thật ra, tướng Milley hành động như vậy là có ý định ‘thủ thân’, đánh tiếng các nhà báo để nhờ bảo vệ trong trường hợp có biến trong vụ bầu cử.


     Về cuộc rút quân khỏi Afghanistan, cả hai tướng Milley và McKenzie, với sự hậu thuẫn của bộ trưởng Austin đều khuyến cáo cần giữ lại 2.500 quân, ít ra cũng để trấn an chính quyền và quân lực Afghan, nhưng cụ Biden không nghe theo. Trái với tiết lộ của 3 ông tướng, cụ Biden cho biết ông “không nhớ đã nghe ai khuyến cáo cụ về chuyện này” (nguyên văn: “I dont remember ever heard anybody recommending we need to keep 2.500 troops”). Tướng Milley cũng khuyến cáo cụ Biden không thể ấn định hạn kỳ nhất định ngày tháng nào phải rút, như cụ Biden đã làm khi ra lệnh rút toàn diện trước hạn kỳ 31/8 do Taliban ấn định, mà chỉ nên vạch ra điều kiện nào mà Mỹ đòi hỏi. 

    Đây có lẽ là vấn đề quan trọng nhất trong thảm họa rút quân khỏi Afghanistan khi 3 ông tướng cao cấp nhất nói ngược với tổng thống. Vậy giữa ba ông tướng cao cấp nhất và ông chính trị gia vừa dẻo lưỡi vừa lãng trí, ai là người nói láo? 

    Sự thật là tướng Milley có nộp báo cáo viết trên giấy trắng mực đen, nộp cho bộ trưởng QP và tổng thống, trong đó ông có khuyến cáo giữ lại lính hay không thì tài liệu còn đó. Tiếc là tài liệu này thuộc loại mật, mà cụ Biden từ chối không công bố cho thiên hạ biết. May ra thì trong cuộc điều trần mật, tài liệu này có thể đã được tướng Milley trình cho các nghị sĩ.

    Cũng phải nói cho rõ là khi đó, báo chí có viết rõ ràng cả ba ông tướng cùng với tân giám đốc CIA David Cohen đều phản đối quyết định rút quân toàn diện và hấp tấp của cụ Biden. Nghĩa là cụ Biden đã đơn thân độc mã lấy quyết định sai lầm rút quân toàn diện và hấp tấp đi ngược lại khuyến cáo của các tướng lãnh và cả CIA. Nôm na ra, đại họa rối loạn trong cuộc rút quân cũng như mất Afghanistan quá nhanh hoàn toàn là trách nhiệm của một mình cụ Biden.


     Cụ Biden sau này có cho biết là lệnh rút quân toàn diện đã được tất cả các tướng lãnh ‘nhất trí’ đồng ý. 

    Điều gian trá của cụ Biden là cụ đã không nói rõ là quyết định ‘nhất trí’ này của các tướng lãnh đã được lấy ngày 25/8, tức là 10 ngày sau khi Taliban đã chiếm thủ đô, khi gạo đã nấu thành cơm. Trước đó, khi chưa ra quyết định rút quân, thì cả ba ông tướng và giám đốc CIA đều phản đối.


     Được hỏi vậy tại sao ông không từ chức khi Biden không nghe theo lời khuyến cáo, tướng Milley trả lời ông chỉ là cố vấn quân sự, ý kiến của ông chỉ là ý kiến mà tổng thống có quyền nghe hay không nghe theo, và nếu mỗi lần tổng thống không nghe lời cố vấn là cố vấn phải từ chức thì cố vấn đã có hành động vô kỷ luật, tự kiêu quá đáng.

    Ở đây, tướng Milley hoàn toàn có lý. Cứ bất đồng ý là từ chức hiển nhiên mang tính tự cao tự đại quá lố.


     Tướng McKenzie cho biết cụ Biden bác bỏ ý kiến để lại 2.500 lính mà chỉ chấp nhận cho 650 lính để bảo vệ cuộc tháo chạy, tuy cụ không giải thích con số 650 này lấy từ đâu ra. Với số lượng quân nhân giới hạn như vậy, tướng McKenzie không thể nào vừa giữ phi trường Kabul vừa giữ căn cứ không quân Bagram. Theo tướng McKenzie, chỉ giữ căn cứ Bagram không, không kể phi trường Kabul, cũng cần ít nhất 5.000 TQLC. Do đó, ông đã phải lấy quyết định bỏ Bagram chỉ giữ phi trường thôi.

    Trên nguyên tắc, nếu những gì tướng Mckenzie khai đúng sự thật, thì việc giữ một trong hai yếu điểm là đúng thôi. Với 650 lính thì làm được chuyện gì? Sau đó, ngay cả việc giữ an ninh phi trường Kabul cũng đã cần tới 6-7.000 TQLC rồi.

    Tuy nhiên ông tướng này không giải thích tại sao lại phải tháo chạy khỏi Bagram lúc 3g sáng, không chính thức bàn giao, vứt lại quân dụng, súng ống, bừa bãi, khi quân Taliban còn cách đó cả mấy trăm cây số. Không có nghị sĩ hay dân biểu nào hỏi câu hỏi này.


     Cả ba ông tướng đều nhìn nhận quyết định rút quân hấp tấp, toàn diện không để lại một người lính nào đã tạo rối loạn và là một thảm bại. Nhưng cả ba ông tướng đều đổ lỗi cho chính quyền và quân đội Afghan đã xụp đổ quá nhanh mà Mỹ không thể ngờ trước được.

    Đây cũng là lập luận mà dân Việt chúng ta nghe quá nhiều rồi. Ngay trước và sau khi mất nước, chính quyền Mỹ, các tướng tá Mỹ, TTDC Mỹ nhất tề xỉa tay đổ lỗi cho chính quyền VNCH tham nhũng, tướng tá VNCH bất tài, và lính VNCH chết nhát. Đây cũng là lập luận căn bản của nghị sĩ Biden khi một hai đòi chấm dứt việc Mỹ tham chiến giúp Nam VN và biểu quyết cắt hết viện trợ quân sự cho Nam VN. Ít ra thì tại VN, Mỹ đã có được một thời gian 3 năm ‘chuyển tiếp coi được’ -decent interval- đỡ mất mặt hơn là tại Afghanistan khi tất cả xụp đổ trong vòng 11 ngày.

    Câu hỏi cho mấy ông tướng là nếu có sự xụp đổ quá nhanh như vậy thì trách nhiệm của Mỹ ở đâu khi cả chính quyền lẫn quân đội Afghanistan đó đều do Mỹ dựng lên và huấn luyện trong 20 năm trời dưới 3 đời tổng thống? 


     Cả ba ông tướng đều nhìn nhận rút quân đã là một thảm họa vì quá nhiều sai lầm nghiêm trọng. 

    Nhưng chẳng một ông nào xin lỗi dân Mỹ và nhất là gia đình 13 anh lính chết, có lẽ vì nghĩ không phải lỗi của họ khi họ đã cản cụ Biden mà cụ không thèm nghe lời. Chẳng ông nào nhận một ly trách nhiệm nào. Chẳng ông nào nghĩ đến chuyện từ chức hay tự mổ bụng tự tử theo tinh thần võ sĩ đạo của mấy ông Nhật. Và cũng chẳng ông nào nói đó là quyết định “sáng suốt và hữu hiệu nhất” như cụ TVTích ca tụng cụ Biden.


     Tướng McKenzie xác nhận ngay khi Taliban vừa vào được thủ đô Kabul thì Taliban đã đề nghị Mỹ nhận trách nhiệm giữ an ninh trật tự thành phố Kabul và Taliban sẽ đóng quân ngoài thủ đô cho tới ngày 31/8 vì Taliban không đủ nhân sự để kiểm soát cả thủ đô. Nhưng tướng McKenzie đã được lệnh bác bỏ đề nghị này, theo tướng McKenzie vì Mỹ không có đủ nhân sự để lo an ninh của cả thủ đô, chỉ có thể gửi lính tới bảo vệ phi trường thôi. Sau khi Mỹ từ chối, quân Taliban mới vào chiếm thủ đô, ngoại trừ khu vực phi trường, Taliban để yên cho Mỹ di tản kiều dân Mỹ và đồng minh.

    Quyết định từ chối giữ thủ đô chứng tỏ cụ Biden nhất quyết tháo chạy, không muốn dính dáng gì đến chuyện nào khác. Thái độ nhát gan này đã đưa đến việc ISIS đánh bom chết 13 lính TQLC Mỹ và 170 dân thường Afghan. 

    Trong khi Taliban bảo đảm sẽ đóng quân ngoài thủ đô thì việc giữ an ninh thủ đô với 6-7.000 TQLC là chuyện không thể không làm được. Ngay cả Taliban khi chiếm Kabul cũng chỉ có vài trăm tay súng. Nếu lính Mỹ giữ an ninh cả thủ đô, nhất là khu vực bao quanh phi trường, đã chắc gì ISIS có thể đánh bom sát phi trường, giết nhiều lính Mỹ và dân Afghan như vậy.

    Kẻ này thắc mắc những hình ảnh chiếu về phi trường khi đó cho thấy lính Mỹ loe ngoe có vài chục mạng, không hiểu thật sự đã có tới 6-7.000 người để giữ phi trường hay không?


     Các ông tướng cho rằng nếu công dân Mỹ được di tản về Mỹ sớm hơn thì đã không có chuyện rối loạn giờ chót, đi đến tình trạng không biết bao nhiêu dân Mỹ hay dân Afghan có quốc tịch Mỹ hay đã nộp đơn xin vào quốc tịch Mỹ sẽ không bị kẹt lại. Theo các tướng, đó là lỗi của bộ Ngoại Giao Mỹ đã trì hoãn không cho di tản sớm như bộ QP đã đề nghị. Trong khi bộ NG giải thích chính TT Ashraf Ghani đã yêu cầu Mỹ không di tản sớm để tránh hoảng hốt trong dân quân Afghan.

    Câu chuyện này quả thật nghe… quen quen, không khác gì trường hợp miền Nam VN năm xưa, khi các cơ quan chính quyền Mỹ và Việt tranh cãi về việc di tản kiều dân Mỹ và nhân viên sở Mỹ. Khi đó, đại sứ Mỹ kịch liệt chống lại việc di tản sớm nhân viên tòa đại sứ Mỹ vì ông sợ sẽ tạo tâm lý hoảng sợ trong dân và quân miền Nam.

    Việc làm đáng trách của bộ NG có thể không phải là đã cho phép di tản quá muộn vì thực tế khi đó, không ai nghĩ Afghanistan sẽ xụp đổ nhanh như vậy. Việc làm đáng trách của bộ NG Mỹ là khi đó đã giấu nhẹm việc rút quân hấp tấp mà không thông báo gì cho các đồng minh NATO, khiến cho họ bật ngửa khi hay tin cụ Biden tháo chạy, phải cuống cuồng tổ chức cầu không vận di tản kiều dân NATO và những người Afghan đã hợp tác với họ.


     Tướng McKenzie cũng nhận trách nhiệm bắn lầm xe bị nghi ngờ có bom khiến một chục thường dân Afghan bị chết oan, do tin tình báo sai lầm. 

    Tuy nhiên, cũng chẳng ai nghe tướng McKenzie xin lỗi những người chết oan. Cũng chưa nghe nói gia đình các nạn nhân có được bồi thường gì hay không.

    Câu hỏi ít người đặt ra là trong tình trạng rối loạn tuyệt đối của những ngày tháo chạy bạt mạng đó, làm sao Mỹ có tin tình báo quá nhanh là ISIS có xe đầy bom sắp sửa tấn công phi trường Kabul? Tin tình báo từ đâu ra khi những quân nhân hay gián điệp Afghanistan hợp tác với Mỹ đang cuống cuồng tìm đường tháo chạy vào phi trường? Có thể một anh Afghan nào đó đã phịa tin này ra để lấy điểm, để được cho lên máy bay ra khỏi nước sớm, trong khi Mỹ cần làm một chuyện gì đó để khỏa lấp thảm họa bị đánh bom chết lính nên bám víu vào tin này liền mà không kiểm chứng kỹ.


     Tướng Milley cho rằng cuộc rút quân là một đại họa khiến Mỹ mất nhiều uy tín trên thế giới, trong khi bộ trưởng QP, tướng Austin lại nói ngược lại, cho rằng uy tín của Mỹ chẳng bị sây sát gì. 

    Ở đây, ta thấy ngay khác biệt giữa một ông nhà binh mặc quân phục khác với cái nhìn của ông nhà binh mặc áo bộ trưởng, trở thành một chính trị gia với lưỡi mất hết xương.

    Sự thật là cả những người đui mù nhất cũng thấy rõ thảm họa tháo chạy Afghanistan sẽ đi vào lịch sử chẳng những như thất bại lớn nhất quân sử Mỹ, chẳng có gì "sáng suốt và hữu hiệu" hết, mà cũng còn là một hành động phản bội đồng minh tàn nhẫn và thô bạo hơn cuộc tháo chạy khỏi miền Nam VN.

    Thảm họa này đã khiến các nước Âu Châu cuống cuồng đặt vấn đề thành lập lực lượng quân sự Liên Âu độc lập với Mỹ. Như vậy mà còn có thể nói uy tín của Mỹ vẫn không bị sây sát được sao?


     Cả ba ông tướng đều rất bi quan cho tương lai, và đều tin là các lực lượng khủng bố như Al Qaeda, ISIS sẽ sống lại, mạnh mẽ lại, và có thể trở thành một đe dọa lớn cho an ninh và quyền lợi của Mỹ, trong vòng từ một tới ba năm tới. Rất có thể sớm hơn nhiều, vào mùa xuân năm tới.

    Tiên đoán của các tướng bi quan như vậy, làm sao dân thường như chúng ta không rét sao được. Nhất là khi đã có tới hơn 100.000 dân Afghan được nhận bừa bãi vào Mỹ trong vòng hai tuần lễ, chẳng có cách hữu hiệu nào kiểm tra lý lịch họ.


    Cuộc điều trần đã đưa ra ánh sáng nhiều chuyện ‘trống đáng xuôi, kèn thổi ngược’, hay ‘ông nói gà bà nói vịt’ trong chính quyền Biden, chẳng ai biết đường nào mà mò. Nghĩa là điều trần không giúp hiểu rõ câu chuyện tướng Milley nói chuyện với địch, cũng chẳng ai biết gì hơn về vụ tháo chạy bạt mạng khỏi Afghanistan. Mà điều trần chỉ cho thấy rõ thực tế cõi đời ô trọc này, chẳng ai đáng tin tuyệt đối hết. Các quan tai to mặt lớn, kể cả và nhất là tổng thống, luôn sẵn sàng nói láo, xỉa tay đổ thừa tứ tung để bảo vệ cửa hậu của mình thôi, dân ngu khu đen cuồng tin vào, chết ráng chịu.



 

    Ngoài ra, nhân câu chuyện này, ta cũng thấy được nước Mỹ nổi tiếng trên thế giới là quốc gia pháp trị nghiêm ngặt nhất, với Hiến Pháp coi như cột trụ -cái cột duy nhất của ‘chùa một cột Mỹ’-  Thế nhưng trong thời buổi ‘văn hoá thức tỉnh’ – woke culture- ngày nay, nhiều người ‘văn minh tiến bộ’ đã coi Hiến Pháp như tờ giấy lộn, có thể liệng vào thùng rác, tùy nhu cầu thời thế. Chẳng hạn như ghét một tổng thống thì có thể phán ông ta là có vấn đề tâm thần đáng lo ngại và “đảo chính ngay tại chỗ” để cứu dân cứu nước theo ý nghĩ chủ quan thích-ghét của mình. Cái may của nước Mỹ là những người chủ trương "đảo chính ngay tại chỗ' này chẳng có trách nhiệm nào trong chính quyền Mỹ, mà chỉ có thể bàn ra bàn vào vô thưởng vô phạt cho vui thôi


ĐỌC THÊM:


Các tướng điều trần – New York Times: 

    https://www.nytimes.com/live/2021/09/28/us/senate-hearing


Năm điểm chính trong điều trần – The Hill:

   https://thehill.com/homenews/administration/574365-five-takeaways-from-the-senates-hearing-on-afghanistan


Khủng bố sẽ sống lại – The Hill:

 https://thehill.com/policy/defense/574496-milley-real-possibility-terrorist-groups-could-rebuild-as-soon-as-early-spring