Câu chuyện một tàu chở hàng đâm sầm vào cây cầu quan trọng nhất Baltimore, khiến cây cầu sụp đổ hoàn toàn, không có cách nào sửa chữa được, mà chỉ có thể xây lại nguyên một cây cầu mới, dĩ nhiên là một tai nạn. Nhưng tai nạn đó đã phản ảnh không thể nào rõ ràng hơn một biến cố tiêu biểu của chính quyền Biden: từ khủng hoảng này tới thảm họa nọ, toàn là những đại nạn. Người ta có thể hiểu đó là số phận không may mắn của Biden, nhưng cũng có thể hiểu những đại nạn đó chỉ là hậu quả của một chính quyền, một nội các toàn những dân thiếu khả năng, chẳng những không có viễn kiến đề phòng tai họa, mà trái lại, toàn đẻ ra tai họa.
Một đại triết gia Pháp đã từng tuyên bố từ mấy thế kỷ trước "Gouverner, c'est prévoir', nghĩa là 'quản trị tức là tiên liệu'.
Ta nhìn lại vụ tàu đâm vào cầu.
Đây dĩ nhiên là một đại đại họa chẳng những về kinh tế vì sẽ gây thiệt hại bạc tỷ cho kinh tế Mỹ vì ngưng việc trao đổi cả tỷ bạc tiền hàng hóa cho cả nước. Sự kiện dĩ nhiên sẽ được điều tra và chúng ta không biết toàn bộ câu chuyện cho tới khi báo cáo cuối cùng được công bố, có khi cả năm nữa không chừng. Tuy nhiên, đại khái, theo những hiểu biết sơ khởi thì con tàu khổng lồ dài hơn cả chiều cao của tháp Eiffel của Paris, đã bất thình lình bị mất điện, toàn bộ hệ thống computer điều khiển con tàu bị chết, con tàu không còn điều khiển được, tự do trôi theo dòng nước, đâm vào chân cầu.
Giải thích này vừa nghe đã thấy hết sức vô lý. Làm sao một con tàu khổng lồ, tân tiến, quan trọng như vậy lại có thể bị mất điện dễ dàng như căn phố chệt của Phú Nhuận được? Rồi tại sao trong con tàu đó, lại không có hệ thống điện phụ thứ hai, đề phòng hệ thống chính bị hỏng được? Cho dù chủ tàu vì muốn tiết kiệm tiền bạc, không thiết lập hệ thống điện thay thế, thì ít ra, hãng bảo hiểm cũng phải đòi hỏi chuyện này chứ? Cuối cùng, cho dù hãng bảo hiểm không đòi hỏi, thì ít ra, vai trò của bộ Giao Thông Mỹ có phải là phải kiểm tra và bắt phải có hệ thống điện phòng hờ không? Quản trị là tiên liệu, bộ trưởng Giao Thông có tiên liệu gì không ngoài việc tiên liệu là sẽ phải biết cách thay tã và pha sữa cho con?
Một câu hỏi khác mà nhiều người thắc mắc đã nêu lên: chiếc cầu được thiết lập như thế nào mà khi một tàu đâm vào một chân cầu là toàn thể cây cầu bị rơi rụng tả tơi hết. Từ ngày cây cầu được khánh thành năm 1977, cách đây 47 năm, đã có ai coi lại thiết kế cầu chưa, có chịu nổi mấy ngàn xe tải nặng chạy qua mỗi ngày không? Việc bảo trì có theo đúng đòi hỏi không? Trong ngân sách cả ngàn tỷ của luật Trùng Tu Hạ Tầng Cơ Sở, có tiền để trùng tu 45.000 cây cầu, trong đó có cầu lớn nhất của Baltimore này không? Ông bộ trưởng Giao Thông có khi nào nghĩ tới cây cầu này không hay quá bận ôm 'chồng' và thay tã cho con?
Câu hỏi lớn hơn nữa mà một nhà báo chuyên nghiệp, bà Lara Logan đã nêu lên: việc đâm tàu này không phải là một tai nạn, mà là một tấn công có chuẩn bị chu đáo và tính toán đánh vào một cây cầu chiến lược hết sức quan trọng của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, bà Logan không cho biết theo bà, ai là thủ phạm cuộc tấn công này. Kẻ này chỉ loan tin như vậy vì không biết gì hơn nên không có nhận định riêng về chuyện 'tấn công' này.
https://twitter.com/laralogan/status/1772675651599770093
Câu chuyện cây cầu xập có quá nhiều khúc mắc mà chẳng ai có câu trả lời. Thôi thì ta chờ xem báo cáo cuối cùng của cuộc điều tra, rồi sẽ bàn sau nếu cần. Ngay bây giờ, chỉ biết đã bắt đầu cãi nhau về việc xây dựng lại cây cầu.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi có tin cây cầu bị xập, cụ Biden đã hấp tấp tuyên bố ngay "chính quyền liên bang sẽ tài trợ trọn vẹn việc xây lại cây cầu này để giúp Baltimore và Maryland". Lại một hành động tung tiền thuế của dân để mua phiếu cử tri cho mình mà không hề suy nghĩ sâu rộng về thực tế và hậu quả. Dĩ nhiên, ngay sau đó, một dân biểu DC của Maryland đã tung hô ngay 'tính lãnh đạo vĩ đại' của Biden. Thế nhưng nhiều tiếng nói trong hạ viện đã nổi lên ngay, phản đối thái độ hấp tấp mua phiếu của Biden, trong đó có tiếng nói của nhiều dân biểu của chính đảng DC. Theo các dân biểu này:
- chi phí xây lại cầu và bồi thường thiệt hại cho Baltimore sẽ lên đến bạc tỷ, chính quyền liên bang lấy đâu ra bạc tỷ dễ dàng như vậy?
- cho dù kiếm ra số tiền đó, thì việc chính quyền liên bang chi trả bất cứ một xu nào sẽ phải là một quyết định của quốc hội, chứ không phải quyết định của một mình ông TT, bất kể ông này độc tài tới đâu;
- việc tầu đâm vào cầu gây tại nạn, trước tiên phải là trách nhiệm của hãng chủ tầu và các hãng bảo hiểm, chính quyền liên bang hay địa phương có chi gì thì cũng chỉ chi sau khi hãng tàu và hãng bảo hiểm đã chu toàn trách nhiệm tài chánh, chứ chính quyền liên bang hay địa phương không phải là những nơi chi tiền trước.
Hiển nhiên, vụ đâm tàu này phản ảnh rõ nét tính bất tài, không có khả năng tiên liệu của bộ trưởng Giao Thông, 'chị' Buttigieg. Mà tin kinh hoàng hơn nữa là đây không phải là khủng hoảng đầu tiên hay duy nhất của 'chị' Buttigieg.
Dưới thời Buttigieg, nước Mỹ đã trải qua nhiều khủng hoảng vĩ đại liên quan trực tiếp đến ngành giao thông vận tải:
- Giữa năm 2021, các đại tập đoàn thương mại Mỹ đặt mua cả lô hàng, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm của dân Mỹ, trùng hợp với việc bớt siết chặt kinh tế khi dịch COVID bắt đầu được chặn bớt nhờ thuốc chủng ngừa và thuốc trị được phát minh ra và Mỹ mua cả chục triệu liều dưới thời TT Trump. Hàng hóa ào ào vào Mỹ, tới các bến tàu lớn ở Cali và New York, New Jersey. Nhưng đại họa là không có xe tải hay xe lửa chở đi phân phát trên khắp nước. Vì dịch COVID đóng cửa kinh tế, cả vạn tài xế xe tải đã bị sa thải, chưa có job lại vì các đại tập đoàn chưa kịp thuê lại, cũng như vì cả ngàn tài xế thích ngồi nhà ăn trợ cấp của Biden hơn là đi làm lại. Đưa đến tình trạng đường giây cung hàng -supply chain- bị kẹt cứng trên toàn quốc. Trong khi đủ loại hàng hóa nằm ụ tại các bến tàu, thì các kệ hàng trong các siêu thị lại trống trơn. Bộ trưởng Giao Thông Buttigieg đang bận nghỉ để lo nhận và nuôi hai đứa con song sinh vừa mới nhận làm con nuôi.
- Qua năm 2022, Mỹ gặp khủng hoảng hàng không lớn nhất lịch sử: cả ngàn chuyến bay bị chậm trễ hay hủy bỏ vì lý do thiếu nhân viên phi hành đoàn, đặc biệt là thiếu phi công lái máy bay. Cũng tương tự như chuyện xẩy ra với các xe tải, quá nhiều nhân viên bị sa thải khi kinh tế bị Biden đóng cửa, bây giờ, dịch COVID coi như bị loại, kinh tế mở cửa lại, nhưng các hãng máy bay chưa kịp thuê nhân viên lại. Đặc biệt trầm trọng là nạn thiếu phi công lái máy bay. Khi kinh tế đóng cửa, dân bị cách ly không đi đâu được, các hãng máy bay sa thải cả ngàn phi công. Họ phải kiếm sống bằng cách đi các xứ khác tìm job, lái máy bay cho các công ty hàng không các xứ không có đóng cửa kinh tế quá gắt, như Việt Nam chẳng hạn khi Viet Jet thuê cả mấy chục phi công Mỹ thất nghiệp. Bây giờ, không dễ kêu họ trở về Mỹ lái máy bay lại.
- Mùa thu 2022, các công ty hỏa xa thương mại điều đình và thỏa hiệp với nhân công hỏa xe về những hợp đồng lao động. Tuy nhiên, các nhân công hỏa xa nổi loạn, chống lại các hợp đồng đó, đình công hàng loạt. Các nghiệp đoàn phải điều đình lại. Đưa đến khủng hoảng lớn khi hai bên không đạt được thỏa hiệp. Bộ trưởng Giao Thông Buttigieg trốn tránh trách nhiệm, ôm 'chồng' và hai con nuôi chạy qua Portugal 'nghỉ hè'.
- Tháng Hai 2023, một xe lửa với 38 toa chở loại hàng cực nguy hiểm như các chất hóa học tai hại nhất, bất ngờ chạy ra ngoài đường rày, bị lật, khiến các toa bốc cháy ào ạt trong cả hai ngày liền tại thành phố East Palestine, tiểu bang Ohio. Dân chúng trong vòng cung 2 dặm -3km- bị bắt phải bỏ nhà, di tản hết. Chính quyền địa phương các tiểu bang Ohio, Pennsylvania, West Virginia, và Virginia mau mắn phối hợp công tác dập lửa, chặn việc phát tác các chất độc, di tản và cứu giúp dân,.... Chính quyền liên bang tàng hình, không nhúc nhích cho tới hai ngày sau (cách đây hai tuần, cụ Biden mới tới thăm East Palestine, hơn một năm sau biến cố). Ohio và East Palestine là những nơi bỏ phiếu ào ạt cho Trump nên Biden không rảnh để coi việc cứu cấp là ưu tiên.
Cả 4 vụ khủng hoảng trên và cả vụ tầu đâm gẫy cầu, đều là những đại họa chưa từng thấy ở Mỹ. Có phải đó là tại ông Buttigieg số ăn mày, không may mắn, liên tiếp gặp họa không? Hay là chỉ vì ông bất tài đã không tiên liệu được những chuyện đó nên không có biện pháp ngăn cản trước, cũng như không có biện pháp đối phó thích ứng kịp thời? Có thể công bằng mà nói, vụ tàu đâm xập cầu chẳng ai tiên đoán được, nhưng việc bắt các tàu lớn như vậy phải có hệ thống điện phòng hờ là chuyện một bộ trưởng giỏi, nhiều kinh nghiệm có thể nghĩ tới được. Ngoài ra, những vụ như kẹt đường cung hàng hóa, hay các máy bay thiếu nhân viên phi hành đoàn,... là những chuyện ai cũng có thể biết sẽ xẩy ra một khi kinh tế mở cửa lại, tại sao bộ trưởng Buttigieg và các phụ tá, không ai tiên liệu trước biện pháp đối phó được?
Ngay sau vụ đâm tàu này, Buttigieg đã tuyên bố một câu xanh rờn: "Mỗi một tai nạn như vậy là một dịp cho chúng ta học hỏi thêm kinh nghiệm đối phó cho lần tới" (nguyên văn "... every emergency informs how you deal with the next one"). Má ơi, bộ trưởng mà không biết tiên liệu, không biết phải làm gì, chỉ biết ngồi chờ đại họa xẩy ra để học bài học kinh nghiệm đối phó với đại họa tới! Đó là người tài ba nhất trên phương diện giao thông mà Biden có thể tìm ra được để trao trách nhiệm điều hành cả hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường biển, đường xe lửa, đường bay của Mỹ sao?
Cách đây khá lâu, Diễn Đàn Trái Chiều đã có dịp liếc qua nội các của Biden. Đây là một nội các hết sức đặc biệt, có một không hai trong lịch sử hơn 300 năm của đại cường Cờ Hoa này. Đặc biệt ở điểm việc chọn lựa nội các tuyệt đối không liên quan gì đến khả năng hay kinh nghiệm cá nhân của các viên chức cao cấp nhất nước, mà lại hoàn toàn bị chi phối bởi những tiểu chuẩn gọi là 'thức tỉnh', 'woke', nghĩa là các tiêu chuẩn về màu da, về giới tính, thậm chí về cả ý thích giới tính cá nhân. Chẳng hạn thứ trưởng Năng Lượng, ông Sam Brinton được bổ nhiệm vì đầu óc 'cởi mở', thích để râu nhưng lại mặc váy đàn bà. Cả bộ trưởng Quốc Phòng và Tổng Tham mưu Trưởng Quân Đội đều được chọn, vượt qua cả lô tướng lãnh cao cấp hơn, chỉ vì là dân da đen. Hay bộ trưởng Giao Thông Pete Buttigieg trước đó đang là tỉnh trưởng một tỉnh nhỏ hơn Kontum của ta, được bốc lên là bộ trưởng Giao Thông của một xứ mà hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không, đường xe lửa, và hệ thống sông ngòi và biển lớn phức tạp nhất thế giới, nhưng được bổ nhiệm vì đưa ra hình ảnh tiêu biểu và lý tưởng của một gia đình 'mới' trong văn hóa thức tỉnh Mỹ: 'ông' bộ trưởng có chồng, và hai 'ông bà' nuôi hai đưa con song sinh da đen.
Trên căn bản, việc bổ nhiệm những viên chức da đen hay phụ nữ hay đồng tính hay chuyển giới không có gì sai lầm, vì ai cũng phải nhìn nhận có nhiều người rất tài giỏi trong các giới đó. Nhưng việc tuyển chọn họ chỉ dựa trên những tiểu chuẩn 'thức tỉnh' đó mà bỏ qua các tiêu chuẩn về khả năng và kinh nghiệm chỉ mang lại đại họa cho đất nước.
Với thế đa số tại thượng viện, cụ Biden toàn quyền bổ nhiệm 'nhân tài' vào nội các, chọn những người tài giỏi nhất, đúng không? Không đúng, vì hầu hết các bộ trưởng đều thất bại, mang lại thảm họa cho cụ Biden.
Dưới đây là danh sách không đầy đủ về thành tích của nội các Biden, mà Diễn Đàn Trái Chiều đã từng viết, nay xin đăng lại (với vài ba sửa đổi, cập nhật):
- Người đầu tiên cụ Biden tuyển chọn để làm việc với cụ chính là bà phó TT Kamala Harris. Bà này được Biden chọn -hay ai khác trong hậu trường?- đã được chọn qua hai tiêu chuẩn 'thức tỉnh' quan trọng nhất: phụ nữ và da đen. Ngoài ra, bà Kamala không có gì đáng được chọn làm PTT. Trước đó, bà chỉ là một công tố 'quận' của tiểu bang -state district attorney-, chuyên môn đi kết án những tay buôn ma túy, hay trộm cướp trong một tiểu bang. Các khả năng và kinh nghiệm về chính trị: zero; về kinh tế: zero; về tài chánh: zero; về ngoại giao: zero; về quốc phòng và an ninh lãnh thổ: zero; về xã hội: zero; về y tế: zero; về giáo dục: zero. Tất tần tật đều ... zero hết! Và trong 3 năm qua, cả nước, thậm chí cả thế giới đều thấy rõ sự bất tài tuyệt đối của bà, không ai còn chối cãi được gì nữa.
- Bộ trưởng Ngoại Giao Tony Blinken: Mỹ tháo chạy khỏi Afghanistan không thông báo cho đồng minh, bỏ lại cả ngàn dân Afghan đã tin tưởng và vào công dân Mỹ thành mồi ngon cho đám cuồng tín Tailban thanh toán hết; thành lập liên minh quân sự AUKUS với Úc không thông báo cho NATO; lừa Pháp trong vụ bán tầu ngầm cho Úc khiến cụ Biden phải công khai xin lỗi TT Macron; TC liên tục vác máy bay xâm phạm không phận Đài Loan; Nga đánh Ukraine, Bắc Hàn thử lại hoả tiễn và bom nguyên tử. Sau này người ta khám phá ra thành tích lớn nhất của ông Blinken là đã áp lực đâu năm chục cựu viên chức an ninh tình báo ký tên chung một lá thư xác nhận những tin về lem nhem tiền bạc của cha con Biden phát hiện trong laptop của cậu quý tử Hunter Biden, chỉ là fake news do phản gián Nga cài vào, một tin mà bây giờ cả thế giới đã biết là phịa hoàn toàn, Nga chẳng dính dáng xa gần gì tới laptop của Hunter Biden hết.
- Bộ trưởng Quốc Phòng tướng Llyod Austin: được tuyển chọn qua mặt cả lô tướng lãnh thâm niên hơn, chỉ vì là... da đen; tại Afghanistan, tháo chạy rối loạn 3g sáng khi đám loạn quân khố rách áo ôm Taliban còn cách căn cứ cả trăm dặm, tháo chạy hỗn độn tại phi trường Kabul khiến chết 13 lính, bây giờ lo huấn luyện lính về ‘văn hóa thức tỉnh’, rồi sa thải lính tính nhuệ nhất SEAL và TQLC. Mới đây, gian trá, bị bệnh nặng phải giải phẫu rồi nằm bệnh viện cả tháng, nhưng sợ mất job, nên ra lệnh giấu kín không cho quốc hội và cả Biden biết.
- Bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ Alexandro Mayorkas: khủng hoảng di dân với hơn 7 triệu di dân lậu tràn qua biên giới, thả vào Mỹ trong ba năm qua; đã bị hạ viện đàn hặc, đang chờ ngày ra 'tòa' thượng viện, quyết định có cách chức ông hay không.
- Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland: chủ trì việc nước Mỹ phá kỷ lục nổi loạn, trộm cắp, cướp của, giết người. Hoàn toàn bất tài trong vấn đề này, nhưng lại thuộc hạng siêu hữu hiệu trong công tác đàn áp đối lập chính trị Trump, cho các công tố liên bang, tiểu bang và địa phương tung hàng loạt truy tố trong kế hoạch vồ Trump, không cho ông này ra tranh cử TT chống Biden.
- Bộ trưởng Tài Chánh bà Janet Yellen: kinh tế khủng hoảng, lạm phát kỷ lục trong 40 năm.
- Bộ trưởng Y Tế Xavier Beccera: một luật sư gốc Mễ tuyệt đối chưa một ngày học về chữa bệnh sổ mũi, bất lực hoàn toàn trong việc cản dịch COVID, để lại hơn 600.000 người chết trong chưa tới một năm rưỡi vì COVID và con cháu biến thể Delta, Omicron, bất chấp việc thuốc ngừa và thuốc trị đã được phát minh từ dưới thời TT Trump.
- Bộ trưởng Giáo Dục Miguel Cardona: phụ huynh nổi loạn khắp nơi chống việc thi hành các chính sách giáo dục ‘thức tỉnh’, với mục đích gọi là tạo sự công bằng không kỳ thị chủng tộc bằng cách hủy bỏ chấm điểm bài vở, hủy bỏ thi cử; chủ trương dạy sex cho trẻ con mẫu giáo, khuyến khích phóng túng sex trong giới học sinh khi các trường phân phát bao cao su miễn phí cho tất cả nam nữ học sinh nào muốn; cổ võ việc học sinh chuyển giới tự do; tìm mọi cách giới hạn quyền hành của bố mẹ trên con cái để chuyển cái quyền đó qua các thầy cô; viết lại lịch sử, từ lịch sử cuộc nội chiến tới lịch sử cuộc đấu tranh dân quyền của khối dân da đen.
- Bộ trưởng Năng Lượng bà Jennifer Granholm: giá xăng cao kỷ lục, có lúc lên tới trên 9 đô một ga-lông tại California, bây giờ tuy đã giảm bớt nhưng nước Mỹ vẫn hoàn toàn lệ thuộc dầu xăng nhập cảng, và giá dầu trên thị trường quốc tế do Nga và các xứ Ả Rập thao túng; tiếp Biden tung sách lược cấm sản xuất và dùng xe xăng, để thay thế bằng xe điện, một chiến dịch đang gặp khó khăn tầy trời khi đa số dân Mỹ không chấp nhận xe điện vì xe quá đắt ngoài túi tiền dân lao động, trong khi trạm câu điện còn quá ít, chỉ có trong các thành phố lớn, khiến dân các tỉnh nhỏ và thôn quê chịu trận.
- Bộ trưởng Lao Động bà gốc Tầu Julie Su, quyền bộ trưởng vì chưa được phê chuẩn sau khi được bổ nhiệm tháng 3/2023, cách đây hơn một năm, chưa làm gì hết tuy đã ăn lương cả năm. Gần 5 triệu người không đi làm lại, trong khi chính quyền liên bang chẳng biết phải làm gì.
- Bộ trưởng Gia Cư bà Garcia Fudge mới từ chức, tố cáo công việc của bà hoàn toàn bị chi phối bởi chính trị phe đảng, nghĩa là bà bị chính quyền Biden ép làm theo tính phe đảng, bỏ qua quyền lợi của dân và nước. Trong khi giá nhà mới cao kỷ lục vì giá thành của vật liệu xây cất gia tăng mạnh. Giá nhà trên trời trong khi lãi suất nợ mua nhà cũng... trên trời, hiện nay gần 8% khiến ít ai còn khả năng đi vay tiền mua nhà; trong khi tiền thuê nhà lên mức cao kỷ lục khắp nước. Bà bộ trưởng mới, bà da đen Adrianne Todman chưa được phê chuẩn nên chưa làm gì.
- Bộ trưởng Thương Mại bà Gina Raimondo: hai vấn đề lớn mà phe cấp tiến DC ra rả sỉ vả Trump mệt nghỉ là việc tăng thuế quan đánh trên hàng nhập cảng từ Tầu cộng, và việc Trump hủy bỏ thoả ước Xuyên Thái Bình Dương -TPP-. Thế nhưng khi bà bộ trưởng Thương Mại nắm quyền, thì hình như bà ngủ gật nguyên 3 năm, chẳng ai nghe bà đã làm những gì. Các vấn đề tăng thuế quan và TPP vẫn tuyệt đối không thấy động tĩnh, chẳng một ai hiểu chính quyền Biden đi hướng nào, muốn làm gì, đã, đang và sẽ làm gì.
- Các bộ trưởng Nội Vụ, Canh Nông, Cựu Chiến Binh: không ai biết họ đang làm gì hay không làm gì.
Quý cụ yên trí, tất cả những ‘nhân tài’ trên, sẽ không ai bị cụ Biden thay thế đâu, tất cả sẽ còn ngồi đó cho tới khi nước Mỹ xuống hố xã nghĩa thật.
Một quốc trưởng lẩm cẩm vô tài tất nhiên chỉ có thể thu dụng một đám phụ tá ngớ ngẩn bất tài, gọi dạ bảo vâng nhưng hợp với những tiêu chuẩn 'thức tỉnh' nhất.