Saturday, August 4, 2018

BÀI 32: KINH TẾ: OBAMA – TRUMP


Ác mộng của đảng Dân Chủ đã thành sự thật: thống kê chính thức cho thấy trong tam cá nguyệt 2 của năm nay, tổng sản lượng GDP đã tăng 4,1%.
Kinh tế tăng trưởng tức là thiên hạ có công ăn việc làm, nhà máy sản xuất, hàng hóa được lưu thông, có mua có bán, toàn là những triệu chứng của một chính sách kinh tế mang lại thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, sao lại là ác mộng của đảng DC?
      Câu trả lời không ai không biết: vì đối với DC cũng như TTDC, kinh tế mạnh, dân có công việc làm khỏi chết đói, đó không phải là ước vọng của họ. Trái lại, cả khối cấp tiến cả ngày chỉ lo chạy theo anh chuyên gia nói lảm nhảm trên TV, Bill Maher, thắp nhang cầu xin: “Ước gì kinh tế xụp đổ toàn diện để ta có cơ hội lật đổ được Trump”.  
Nói cách khác, lật đổ Trump đã trở thành nỗi ám ảnh hàng đầu của khối cấp tiến. Họ sẵn sàng trả cái giá kinh tế cả nước xụp đổ, cả triệu người thất nghiệp, và cả vạn người chết đói, đổi lấy một ông Trump!
Nếu thái độ này chưa phải là triệu chứng của bệnh TDS nặng (Trump Derangement Syndrome) thì cái gì mới là triệu chứng mắc bệnh TDS? Thù ghét cá nhân một mình ông Trump đã trở thành quan trọng gấp bội công ăn việc làm và  ấm no của hơn ba trăm triệu dân, chưa kể ảnh hưởng gián tiếp trên cả tỷ người khác trên thế giới.
Trong cuộc bầu cử quốc hội tới, tất cả mọi chính sách, chủ trương, đường lối, kế hoạch, khẩu hiệu,... trong mọi khu vực từ an ninh đến quốc phòng, kinh tế, giáo dục, y tế, kỹ nghệ, canh nông, ngoại thương,... của đảng DC có thể tọm gọn lại đúng hai chữ: ‘Đánh Trump’. Hết chuyện!
Trước việc thống kê chính thức xác nhận kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, vượt qua ngưỡng cửa 4%, đại đa số dân Mỹ (59%) ủng hộ chính sách kinh tế của TT Trump, theo một thăm dò mới nhất của CNBC, con đẻ của đài NBC của đảng ta. Thay vì hoan nghênh chính sách kinh tế của TT Trump làm cho dân giàu nước mạnh, thì TTDC vật lộn, bức tóc để tìm cách hóa giải tin đó. Họ tìm ra được hai cách hóa giải:
-     Cách thứ nhất là tặng huy chương cho Obama vì theo họ, đó chính là thành quả muộn của chính sách kinh tế của TT Obama. Thím Sam ly dị chồng, lấy chồng mới, gần hai năm sau sanh con, ông chồng cũ vẫn la oai oái “Con tôi mà!”.
-     Cách thứ hai, diễn giải rằng tăng trưởng cao chỉ là hiện tượng nhất thời vô ý nghĩa. Cái lý thú trong lý luận trên là họ không nhìn thấy cái mâu thuẫn trong cái lý luận khập khiễng đó: lý luận như vậy chẳng hóa ra là nhìn nhận ‘thành quả’ kinh tế của Obama cuối cùng vẫn chỉ là một “hiện tượng nhất thời vô ý nghĩa” sao?
Sự thật, cả hai lập luận đều là loại ngụy biện mà kẻ này gọi là loại cả vú lấp miệng em, hay là loại mà dân ‘rau muống’ gọi là… chuyện bố láo.
Kinh tế Obama đã được kẻ này bàn quá nhiều nhưng những người không muốn biết vẫn chưa biết, không muốn nghe vẫn chưa nghe thấy gì.
Không ai chối cãi TT Obama thừa hưởng một gia tài không có gì là hấp dẫn: khủng hoảng kinh tế hết sức trầm trọng. Bỏ qua việc tranh cãi về nguyên nhân xa gần, ta thử nhìn vào cách bác sĩ Obama chữa bệnh. Không ai chối cãi kinh tế đã phục hồi. Nhưng điều mà những vị gọi là “cuồng Obama’ nhất định nhắm mắt, bịt tai không muốn biết là cuộc phục hồi kinh tế của TT Obama là một cuộc phục hồi yếu ớt nhất và chậm nhất lịch sử các khủng hoảng kinh tế Mỹ. Đó là nhận định của CNN đy, các cụ ơi!
Tại sao? Để các vị cuồng Obama bớt giận, kẻ này phải nói ngay không phải vì TT Obama dốt đâu. Cho dù ông chưa học nửa ngày kinh tế nhập môn thì cũng vẫn có cả chục hay cả trăm cố vấn kinh tế với đủ loại bằng cấp, đủ loại giải thưởng, kể luôn cả vài vị với giải Nobel Kinh Tế nữa. Phục hồi chậm không phải vì TT Obama không biết cách làm nhanh hơn, mà vì phục hồi kinh tế chưa bao giờ là ưu tiên của TT Obama và ê-kíp của ông.
Trong lý thuyết kinh bang tế thế, có hai trường phái rõ rệt: chủ trương của khối xã hội chủ nghĩa là lo công bằng, tái phân phối lợi tức, và kinh tế chỉ là phương tiện tạo công bằng xã hội; hai là chủ trương của khối tư bản, lo tăng trưởng kinh tế, cho dân giàu nước mạnh. Như kẻ này đã viết nhiều lần: một là lo chia cái bánh đang có cho đều cho tất cả mọi người, công bằng tối đa cho dù là công bằng trước chén bo-bo; hai là lo làm cho cái bánh lớn ra, tuy không đồng đều cho mọi người, nhưng phần mỗi người đều lớn ra, nhiều hơn.
Chính sách kinh tế của TT Obama là lo ‘tái phân phối lợi tức’, chứ không phải là lo tăng trưởng cho nhanh. Trong suốt tám năm Obama, kinh tế tăng trưởng trung bình chưa tới 2% một năm, nhưng ông tuyệt đối không lo lắng chuyện này.
Muốn hiểu chính sách kinh tế của TT Obama, phải nhớ lại câu nói của ông Rahm Emanuel, Chánh Văn Phòng đầu tiên của TT Obama: “không bao giờ nên bỏ qua cơ hội của một khủng hoảng”. TT Obama nhậm chức, lãnh cái gia tài khủng hoảng tài chánh kinh tế có thể nói lớn nhất thế kỷ. Ông lợi dụng cuộc khủng hoảng đó để tìm cách ‘tái phân phối lợi tức’ theo đúng mô thức xã hội chủ nghĩa.
Vì cuộc khủng hoảng đưa đến khó khăn kinh tế tràn lan, nên TT Obama có đầy đủ lý do viết lại những luật lệ an sinh xã hội, trợ cấp đủ kiểu. Quý độc giả khoan vui mừng vì thấy một vị tổng thống lợi dụng khủng hoảng để có hành động giúp dân nghèo, ban phát trợ cấp ào ạt.
Đúng là TT Obama ‘giúp dân nghèo’, không sai. Nhưng cái ‘giúp’ đó là cái giúp nhất thời chỉ với mục đích lấy phiếu bầu bán cho cá nhân ông và cho đảng của ông trong những kỳ bầu bán tới. Tại sao lại gọi đó là những việc làm có tính nhất thời? Chỉ vì những biện pháp đó không thể nào kéo dài hơn vài năm chứ đừng nói tới vĩnh viễn. Kẻ này xin đơn cử vài ví dụ nhỏ.
TT Obama gia hạn việc giảm tiền đóng góp mỗi tháng vào quỹ tiền già SSI, tiếp tục biện pháp tạm của TT Bush con để kích cầu kinh tế. Đó là biện pháp có lợi nhất thời, nhưng về lâu về dài, có hại cho những người đóng góp, vì đóng góp ít tất nhiên về già sẽ nhận được ít tiền già hơn.
TT Obama ban hành luật gia hạn trả tiền thất nghiệp. Hiển nhiên không cần bàn thêm thì ai cũng thấy đây cũng chỉ là biện pháp ngắn hạn. Chứ chẳng lẽ Nhà Nước cứ tiếp tục trả tiền thất nghiệp cho cả chục triệu dân vĩnh viễn sao? Tìm ra việc làm cho họ mới là giải pháp lâu dài.
TT Obama ban hành cái gọi là Obamacare, là chuyện cả chục tổng thống trước không dám làm vì cái giá về lâu về dài quá đắt. Sẽ đưa đến việc gia tăng bất tận chi phí bảo hiểm y tế cũng như dịch vụ y tế (bác sĩ, nhà thương, thuốc). Nhưng TT Obama không cần nghĩ chuyện lâu dài mà chỉ nghĩ đến cuộc bầu cử tới, cũng như nghĩ đến cái gia tài lưu danh muôn thuở của ông. Sẽ được tiếng là cha đẻ của cả hệ thống y tế tân thời của Mỹ, không thua gì TT Johnson, cha đẻ của Medicare cho người già.
Tất cả những biện pháp trên chẳng những ngắn hạn, mà còn mang tính biện pháp ‘xã hội’, không phải biện pháp kinh tế.
TT Obama trực diện khủng hoảng kinh tế, ông đã làm gì để phục hồi kinh tế? Câu trả lời: tăng thuế linh tinh và tiếp tục thi hành chính sách của TT Bush con! Xin quý vị ‘cuồng Obama’ bình tĩnh, khoan tắt máy computer vì sợ phải đọc tiếp.
Vâng, TT Obama không tăng thuế lợi tức vì đó là cách bóc lột trắng trợn quá, sẽ mất job ngay. TT Obama khôn khéo hơn nhiều. Ông tăng hàng loạt thuế, nhưng toàn là những loại thuế linh tinh, vô hình mà ít người nhìn thấy trong khi TTDC giúp chôn dấu dùm. Tiêu biểu nhất mà ai cũng biết là thuế Obamacare mà chính quyền Obama gọi là ‘tiền phạt’ nếu không mua bảo hiểm sức khỏe, mà Tối Cao Pháp Viện xác nhận đó là ‘thuế’ không hơn không kém.
Trên thực tế, TT Obama tăng hơn hai chục loại thuế vô hình (quý độc giả muốn biết chi tiết, xin xem bài trong trang ‘Báo Mỹ’ tuần này)
Ngoài việc tăng thuế lén lút này, TTDC tung hô TT Obama đã có những biện pháp hết sức hữu hiệu để chặn đứng khủng hoảng và phục hồi kinh tế. Ta xét lại thử.
Theo ‘phe ta’, trong năm đầu 2009, khi khủng hoảng kinh tế ở mức đỉnh, TT Obama đã lấy 3 biện pháp quan trọng: cứu ngân hàng, cứu kỹ nghệ xe hơi, và kích cầu kinh tế. Đó là ba biện pháp ‘siêu việt’ của TT Obama mà theo TTDC nhờ đó đã cứu kinh tế Mỹ.
Sự thật, xin lỗi quý vị ‘cuồng Obama’, có … hơi khác.
Về việc cứu ngân hàng, TT Obama chỉ làm đúng một chuyện: đó là tiếp tục sách lược của TT Bush con. TT Bush con và bộ trưởng Paulson là những người đã tung ra khoảng 800 tỷ đô để cũng cố vốn cho các ngân hàng bị lỗ lã nặng vì nợ xấu, cũng như đã nhất thời quốc hữu hóa hai cơ quan tái tài trợ nợ mua nhà cho các ngân hàng là Fannie Mae và Freddie Mac. Công lớn của TT Obama là tiếp tục sách lược đó, tiếp tục chi tiền gánh nạn cho các ngân hàng, rồi sau khi tình trạng ổn định, thu lại số tiền đó từ các ngân hàng trả lại.
Công bằng mà nói, TT Obama có ban hành luật mới để kiểm soát các ngân hàng chặt chẽ hơn. Nhưng vấn đề là sau khi bò đã chạy hết thì mới lo làm chuồng, mà làm chuồng quá kỹ. Luật lệ vay mượn bị xiết chặt quá mức, đến độ bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế, đưa đến tình trạng phục hồi kinh tế yếu và chậm nhất lịch sử Mỹ. Quý vị độc giả thử nhớ lại trong thời gian mấy năm sau đó, vay tiền ngân hàng để làm kinh doanh và nhất là để mua nhà khó trần ai cỡ nào thì thấy ngay tác dụng của luật cải tổ ngân hàng của TT Obama.
Chuyện cứu kỹ nghệ xe hơi, cũng không khác mấy. Khủng hoảng đe dọa hai hãng xe Chrysler và General Motors cuối năm 2008, một tháng trước bầu cử tổng thống. Tháng Chạp 2008, TT Bush đơn phương ký sắc lệnh trích ngay 18 tỷ đô trong tiền cứu trợ ngân hàng để cứu hai hãng xe này khỏi phải khai phá sản, và bộ trưởng Tài Chánh Hank Paulson vạch ra kế hoạch dài hạn, tái cấu trúc cả hai hãng xe. Cái công lớn của TT Obama là đã thực hiện kế hoạch đó sau khi ông nhậm chức.
Về kích cầu kinh tế, TT Obama bán món hàng kích cầu kinh tế bằng cách khoe bánh vẽ “nếu phê chuẩn thì tỷ lệ thật nghiệp khi đó đang ở mức 6%, sẽ giảm xuống 4%-5%, không phê chuẩn thì thất nghiệp sẽ nhẩy lên mức khủng hoảng 8% ngay”. Quốc hội xanh mặt, phê chuẩn ngay. Vài tháng sau, thất nghiệp vọt qua mức khủng hoảng, nhẩy lên 9%-10% và trụ trì ở đó 4-5 năm mới bắt đầu giảm, mà giảm chậm hơn sên. TT Obama lo lắng? Không chút nào hết: thất nghiệp cao, dân lãnh trợ cấp đông, đi bỏ phiếu mạnh, tái đắc cử.
Ấy vậy mà một năm rưỡi sau khi về hưu nằm nhà viết sách, khi thấy tăng trưởng  kinh tế leo lên hơn 4% và tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4%, thì lại hùng hục chạy ra đấm ngực “Nhờ tôi hết đấy, các cụ ơi! Chỉ vì chính sách kinh tế của tôi cao siêu lắm, phải đợi cỡ hai năm sau khi tôi về hưu mới có tác động đấy!”
Thật ra, đây là nhận vơ, không hơn không kém.
Nói đến kinh tế Obama mà không nói đến TPP cũng là một thiếu sót lớn. Trên nguyên tắc, đây là một loại hiệp ước mậu dịch quốc tế có mục đích phát huy giao dịch kinh doanh giữa các quốc gia quanh Thái Bình Dương. Trên thực tế, đây là một hình thức liên minh kinh tế của các nước này chống lại tân đế quốc Trung Cộng, do đó, bị TC tẩy chay.
TPP cũng không khác gì NATO, gọi là liên minh của vài chục nước, nhưng thực tế là Mỹ chống lưng, lãnh đủ hết. TT Trump chán ngấy cái trò này nên rút ra.
TPP tốt hay xấu cho Mỹ? Có hai chỉ dấu có thể dùng để lượng giá:
-     TT Obama chưa bao giờ dám mang TPP ra trước quốc hội để thảo luận và xin phê chuẩn một cách chính thức vì biết trước sẽ bị chống đối và bác bởi ngay các đồng chí DC của ông.
-     Bà Hillary khi ra tranh cử, đã đả kích TPP vì TPP gây hại lớn cho kỹ nghệ và giới lao động Mỹ, khiến bà sợ ủng hộ TPP sẽ bị mất phiếu của khối này ngay.
Đã vậy, TPP cũng hoàn toàn vô hiệu. TC chuyển hàng qua vài đàn em như CSVN, rồi từ đó bán qua Mỹ dưới chế độ ưu đãi của TPP.
TPP chính là thành quả mậu dịch quốc tế lớn nhất của TT Obama đấy.
Kinh tế Trump khác xa kinh tế Obama, một trời một vực. Do đó, nói những gì xẩy ra hiện nay là hậu quả của các chính sách của Obama là nói theo kiểu phe phái mà không biết mình nói cái gì.
Trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Trump có đưa ra hàng loạt biện pháp kinh tế ông hứa sẽ thực hiện. Nhận định về kế hoạch kinh tế của ứng cử viên Trump, ông Paul Krugman, giải Nobel Kinh Tế, đã viết bình luận trên giấy trắng mực đen. Theo ông Krugman, nếu TT Trump giữ những lời hứa như rút ra khỏi TPP, giảm thuế lợi tức cá nhân, giảm thuế lợi nhuận công ty, giảm thuế đánh trên tiền đô hồi hương từ các thiên đường thuế ngoài nước Mỹ, khai chiến mậu dịch với Trung Cộng, thay bà Janet Yellen, chủ tịch Hệ Thống Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang, để tăng lãi suất, xóa bỏ hàng loạt thủ tục hành chánh đang được dùng để điều hành guồng máy kinh tế, thu hồi luật ngân hàng của Obama đang kiểm soát tín dụng cả nước,… thì đó sẽ là những hành động ngu xuẩn nhất và sẽ đưa kinh tế Mỹ và kinh tế cả thế giới tới đại nạn suy trầm mà không ai thấy đâu là đáy; thị trường chứng khoán sẽ xụp đổ toàn diện trong chớp mắt. Đó là nhận định của ông Nobel Kinh Tế Krugman.
TT Trump trong một năm rưỡi qua, đã làm tất cả những chuyện đó, không chừa một chuyện nào. Bây giờ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất từ gần 40 năm qua, kinh tế tăng trưởng tới hơn 4%.
Một cách đo dễ nhất: thị trường chứng khoán Dow Jones.
- Dưới thời TT Obama, từ tháng Tám 2012 (3 tháng trước bầu cử) tới tháng Tám 2016 (cũng 3 tháng trước bầu cử), Dow Jones tăng từ 13.300 điểm tới 18.500, hay là tăng 5.200 trong 4 năm, nghĩa là trung bình 1.300 điểm một năm trong suốt nhiệm kỳ hai.
- Dưới thời TT Trump, từ tháng Tám 2016 tới tháng Tám 2018, Dow Jones tăng từ 18.500 điểm tới 25.500, hay là tăng 7.000 điểm trong 2 năm, nghĩa là trung bình 3.500 một năm, gần gấp ba lần dưới thời Obama.
Một cách nhìn khác nữa. TT Obama công khai tuyên bố với đám dân lao động Michigan: “Việc làm của các anh mất rồi, đi luôn rồi, và sẽ không bao giờ trở lại; đó là chuyển biến của bánh xe lịch sử”.
Qua thời Trump, việc làm trong khu vực chế xuất tăng đều chi, một hai trăm ngàn việc mỗi tam cá nguyệt. Thưa TT Obama: tổng thống là người lãnh đạo có trách nhiệm lái xe hay chỉ là lữ khách ngồi trên xe cho xe chạy đâu thì chạy rồi đổ thừa tại xe chạy theo lịch sử?
Tất cả mọi biện pháp kinh tế tài chánh của chính quyền Obama đều bị lật ngược bởi TT Trump. Tất cả những tiên đoán của ông Nobel Krugman đều sai bét. Dù vậy, ‘phe ta’ vẫn mặt trơ trán bóng đấm ngực “đó là thành quả của Obama”.
Một vài anh nhà báo khác, có hiểu biết hay có tự trọng hơn một chút, không dám trơ trẽn nhận vơ quá lố bịch, nên đã đưa ra một lập luận khác để chỉ trích. Họ cho rằng tỷ lệ tăng trưởng 4,1% là một biệt lệ, một thống kê bất thường không phản ảnh một sự tăng trưởng vững bền, lâu dài, và tam cá nguyệt tới, sẽ giảm mạnh.
Bất thường vì theo họ, trong tam cá nguyệt 2 vừa qua, các doanh gia lo sợ cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Âu Châu và nhất là Trung Cộng. Do đó, nhiều doanh gia đã gia tăng sản xuất tối đa để xuất cảng tối đa trước khi hàng xuất cảng của họ bị Âu Châu và TC đánh thuế quan trừng phạt, trả đũa cho việc tăng thuế quan của TT Trump.
Trước hết phải nói ngay số hàng có thể bị tăng thuế quan so với cả nền kinh tế Mỹ, nhỏ hơn ba hột cát, chưa kể đại đa số là hàng nông nghiệp không phải là muốn tăng sản xuất là một sớm một chiều có thể tăng ngay. Làm như thể ngày hôm nay ông nông dân Mỹ đang sản xuất 100 tấn đậu nành chẳng hạn, bất thình lình tuần sau ông quyết định tăng lên 200 tấn là có ngay 200 tấn. Do đó, lập luận kinh tế trong tam cá nguyệt vừa qua tăng vọt nhất thời vì cuộc chiến mậu dịch chỉ là gượng ép và không chính xác.
Bình thường thì trong chu kỳ kinh tế, tăng trưởng tương đối mạnh nhất vào tam cá nguyệt 2, vì đó là lúc các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất mạnh lại sau khi lo tiêu thụ trong tam cá nguyệt đầu những hàng sản xuất cho các dịp lễ cuối năm còn lại. Qua tam cá nguyệt 3, tăng trưởng sẽ giảm thấp xuống một chút.
Dù sao thì nhìn chung, khó ai có thể chối cãi kinh tế của TT Trump, nhắm vào tăng trưởng thay vì chỉ nhắm vào phân phối lợi tức, đã có những thành quả hiển nhiên, dựa trên hai yếu tố chính: 1) chính sách giảm thuế lợi nhuận kinh doanh đã khuyến khích các công ty kinh doanh gia tăng sản xuất, kể cả mang tiền từ ngoài nước về đầu tư, phát triển hãng xưởng, tạo công ăn việc làm;  và 2) việc cắt bỏ cả ngàn thủ tục, luật lệ hành chánh trói tay các doanh nhân, giúp họ có cơ hội mở mang hãng xưởng, thuê mướn nhân công dễ dàng hơn. Đó là thực tế mà cả triệu dân lao động nhất là trong các tiểu bang kỹ nghệ vùng Đại Hồ đã nhìn thấy, bất kể TTDC xuyên tạc cách nào.
Thật ra, trong nền kinh tế ‘già nua’ của Mỹ, tăng trưởng cao quá không có lợi gì vì nôm na ra thì cái gì cũng đã đầy ắp rồi, tăng trưởng quá sẽ sôi sục, tạo ra lạm phát, vật giá leo thang quá nhanh, chỉ khiến Nhà Nước phải tăng lãi suất để hạ hỏa lại thôi. Chỉ có những nước còn nghèo thì mới cầu mong cho kinh tế tăng trưởng cỡ 6%-8%.
Kinh tế Mỹ mà phát triển đều đặn trên dưới 3% mỗi năm sẽ là một thành công lớn để đời của TT Trump. Cho đến nay, qua 5 tam cá nguyệt liên tục, trung bình tăng trưởng đã lảng vảng ở mức 3% này. Một tin không vui cho DC vài tháng trước bầu cử.