Còn chưa tới hai tháng nữa là sẽ có cuộc bầu gọi là ‘giữa mùa’. Ở cấp liên
bang, toàn thể Hạ Viện sẽ phải bầu lại trong khi một phần ba thượng nghị sĩ sẽ
phải ra tranh cử lại. Bình thường, những cuộc bầu giữa mùa trong nhiệm kỳ đầu của
tổng thống mang ý nghĩa một trưng cầu dân ý về tân tổng thống sau hai năm làm
việc. Và cũng theo thường lệ thì đảng của tổng thống sẽ thua không đậm thì nhẹ,
ngoại trừ trường hợp đặc biệt như với TT Bush con khi đảng CH thắng cuộc bầu giữa
mùa đầu tiên năm 2002, ngay sau vụ khủng bố tấn công 9/11/2001.
Dựa trên yếu tố tâm lý và lịch sử này, và nhất là trong không khí phân hoá
nặng dưới trào của TT Trump, các chuyên gia cho rằng DC sẽ thắng lớn, ít nhất
là tại Hạ Viện.
Kẻ này dĩ nhiên không phải thầy bói chuyên đoán mò, cũng không muốn tiên
đoán theo tính phe đảng, nhất định là ‘phe mình’ phải thắng, ‘phe địch’ phải
thua. Do đó sẽ tránh việc đoán mò này. Chỉ giới hạn nội dung bài này trong phạm
vi xét qua những yếu tố lợi hại cho cả hai bên.
Về phiá CH, như bài bình luận tuần trước đã bàn qua, TT Trump trên thực tế
đã đi từ thành công này tới thắng lợi khác. Quan trọng nhất là thành quả kinh tế
khi tất cả các chỉ dấu kinh tế như tỷ lệ tăng trưởng GDP, chỉ số thị trường chứng
khoán, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ số người lệ thuộc trợ cấp, phiếu thực phẩm, chỉ
số tin tưởng vào tương lai,... đều chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay, kề từ vài
chục năm qua. Đối ngoại, thành quả có thể nói chưa rõ ràng bằng vì những vấn đề
lớn như thuế quan, Bắc Hàn, NATO,... đều còn đang trong vòng thương thảo với đồng
minh cũng như với kẻ thù.
Nhưng điểm yếu lớn là tất cả những thành công lớn nhỏ, đều bị phe cấp tiến,
đảng DC và nhất là TTDC tìm mọi cách xí xoá, khỏa lấp, dấu nhẹm, hay giảm thiểu
tối đa, trong khi phóng đại đến mức lố bịch, thậm chí chế tạo, những sai lầm, đặc
biệt là những điểm bất lợi về cá nhân, con người của TT Trump.
Những chi tiết lặt vặt nhất như lỗi chính tả trong mấy vạn cái tuýt của ông
Trump cũng được thổi phồng lên thành loại tin “Breaking News” như đại hoạ của
thế kỷ. Một cuốn sách bôi bác Trump thì dĩ nhiên được phong lên thành một loại
‘Kinh Thánh’, kéo dài vài ba tuần cho đến khi có ‘Kinh Thánh’ mới xuất hiện.
Khi khách sạn Trump có vài quan khách quốc tế đến ngủ đêm trả vài trăm đô
như từ cả mấy chục năm nay thì TT Trump bị hô hoán là làm giàu bất chính. Việc
Trump không nhận lương thì đã quên từ lâu rồi. Trong khi TT Clinton mời quan
khách vào ngủ tại Tòa Bạch Ốc một đêm đổi lấy vài trăm ngàn tiền yểm trợ tranh
cử thì đó là tổng thống lịch sự, tiếp khách trong Tòa Bạch Ốc rồi được lịch sự
cám ơn bằng tiền yểm trợ. Hay khi bà ngoại trưởng và tổng thống tương lai (như tất cả mọi người dự đoán)
Hillary nhận lãnh vài trăm triệu đô cho Quỹ Clinton Foundation từ một công ty
Nga rồi công ty đó được bộ Ngoại Giao phê chuẩn việc mua lại một công ty
Uranium Mỹ, thì TTDC cho đó là chuyện … tình cờ.
Đủ loại ‘thầy bàn’ ra đời để bàn về đủ mọi chuyện, kể cả những chuyện họ mù
tịt như những chuyện phức tạp về ngân sách, công nợ, thất nghiệp,... Mù tịt đến
độ dịch qua tiếng Việt cũng không xong.
ĐIều đáng nói là những chi tiết lặt vặt hay những chuyện xấu xa bất cần bằng
chứng lại rất hợp ‘gu’ với đại đa số quần chúng vừa có tính hiếu kỳ vừa không đủ
trình độ đọc, hiểu và bàn về chuyện chính sách lớn. Hậu quả của những tấn công
TT Trump là CH sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bình thường trong kỳ bầu cử quốc hội tới
vì bị họa lây.
Về phần đảng DC thì tình hình khác xa.
Điểm nổi bất nhất là đảng DC đưa cả ngàn ứng cử viên ra tranh cử mà lạ lùng
thay, chẳng có một chương trình gì ghê gớm hơn kế hoạch đánh Trump.
Tất cả quan điểm, chủ trương, sách lược, chiến thuật, kế hoạch, khẩu hiệu,
... tất cả có thể tóm lược lại trong đúng hai chữ “chống Trump”. Chống hết, chống
tất cả những gì Trump nói, làm, đề nghị, hứa hẹn. Chống vô điều kiện và vô giới
hạn. Chống luôn cả những chuyện Trump chưa làm hay chưa nói. Nếu cần phịa luôn
ra chuyện để có dịp chống, dùng bài viết nạc danh, hay bất cứ sách nào bôi bác
những chuyện kín hậu trường, bất kể có thật hay không ra làm lý cớ để chống. Đó
chính là ‘đại cương lĩnh’ của đảng DC.
Nhận xét này có quá đáng không? Quý độc giả có thể tự kiểm tra xem trong cuộc
bầu tới này, DC đề nghị chính sách gì? Mở báo hay TV ra xem thì sẽ thấy TTDC
đang bàn về chính sách mới của DC hay đang chửi Trump?
Thật ra, cũng có vài ứng cử viên tránh không bàn đến ông Trump. Đó là một
nhúm các ứng cử viên DC ra tranh cử trong những vùng ông Trump đã thắng bà
Hillary. Họ bị kẹt trong thế đu giây giữa chống ông Trump vì đảng, và bênh ông
Trump để kiếm phiếu của cử tri của Trump. Kết quả là họ chọn giải pháp dễ nhất:
tập trung tranh cử trên vài vấn đề có tính địa phương trong khi tránh né bàn
chuyện quốc gia, liên quan đến TT Trump.
Công bằng mà nói thì cũng có vài ba ứng cử viên DC có chủ trương khá rõ
nét, không dính dáng đến việc bôi bác cá nhân ông Trump. Có chương trình hành động
cụ thể, đi xa hơn việc chống Trump thật. Đó là vài ứng cử viên –đếm trên đầu
vài ngón tay của một bàn tay- của khối ‘tinh hoa xã hội chủ nghiã’ mới chớm nở
của đảng DC. Tiêu biểu là hai cô ứng cử viên dân biểu da đen còn trong tuổi hỷ
mũi chưa sạch, Alexandria Ocasio-Cortez và Ayanna Pressley. Chương trình của
hai cô này, bảo đảm cụ Các Mác bên kia thế giới đang khui sâm banh ăn mừng: miễn
phí tất cả cho dân: đi học miễn phí, săn sóc sức khỏe miễn phí, lương tối thiểu
15 đồng một giờ cho tất cả mọi
người bất kể làm nghề gì, Nhà Nước trả tiền chống hâm nóng điạ cầu cho cả thế
giới, mở toang biên giới (no
ban, no wall, no ICE). Tiền đâu ra? Dễ thôi: tăng thuế ‘nhà giàu’! Chẳng
ai rõ ai là ‘nhà giàu’. So với nhu cầu của hai cô này thì tất cả những ai không
phải ăn mì gói đều là ‘nhà giàu’ cần phải đánh thuế hết.
Không kể các cụ tỵ nạn sống bằng trợ
cấp dĩ nhiên tung hô hết cỡ, câu hỏi cho cả nước là tại sao lại có người có thể đề nghị những chương
trình quái gở như vậy? Câu trả lời rất giản dị: đó là cách ‘chơi nổi’ tạo tên
tuổi để kiếm phiếu, nhưng chẳng có hại gì vì đám cực tả này biết chắc chương
trình của họ có đúng 0,0000% hy vọng được thực hiện. Vì chẳng bao giờ có
ai nghĩ ra được cách nào kiếm đủ tiền để chi trả những dự án đại đồng vĩ đại
này.
Đám quá khích có thể sẽ thắng trong
các cuộc bầu nội bộ trong đảng DC, nhưng sẽ là đại họa khi ra tranh cử chống
phe CH. Dù vậy, không ai có thể
coi thường đám thiên tả quá khích này. Có nhiều triển vọng nội bộ DC sẽ bị xâu
xé nặng giữa hai khối cấp tiến già và thiên tả trẻ.
Bây giờ, ta nhìn qua cuộc bầu bán.
Trước hết là Thượng Viện. Hiện nay, CH nắm đa số, nhưng rất mỏng, có đúng một
phiếu, 51-49. DC chỉ cần thắng thêm 2 ghế là đủ chiếm đa số. Chẳng những
đa số CH mong manh, mà khối DC có vẻ đoàn kết tuyệt đối trong khi khối CH phân
tán làm hai phe ủng hộ hay chống TT Trump. Lợi thế lớn của CH là chỉ có 10 ông
nghị sĩ phải ra tranh cử lại trong khi bên DC có tới 23 vị, mà gần một nửa phải ra tranh cử lại tại
những tiểu bang TT Trump đã thắng.
Theo nghiên cứu của trang mạng Real
Politics, trong cuộc bầu tới, DC có thể mất ba ghế và CH cũng mất ba ghế, đưa đến
kết quả là sẽ không có thay đổi gì hết, CH sẽ giữ thế đa số 51 ghế. Tiên đoán này bị nhiều người cho là có phần
thiên về DC, và thực tế, DC có thể sẽ mất nhiều ghế hơn, và khối đa số CH có thể
sẽ tăng lên tới 53 hay 54 ghế.
Dù sao thì đa số 51 hay 55 ghế thì cũng chẳng có gì khác biệt nhiều.
Sự kiện quan trọng nhất vẫn là phe chống đối TT Trump sẽ không có cách nào
có đủ 67 phiếu để truất phế
TT Trump nếu ông này bị Hạ Viện đàn hặc. Cũng chẳng có đảng nào đạt được đa số
tuyệt đối 60 ghế để có thể thông qua những luật lớn. Nghĩa là sẽ có bế tắc
lớn.
Còn Hạ Viện thì sao?
Hiện nay, CH đang giữ đa số tại Hạ Viện, nhưng là một đa số cũng mong manh.
Chỉ cần phe DC chiếm được 24
ghế là họ sẽ chiếm đa số, một việc không khó khăn lắm. Trong hai lần bầu quốc hội
giữa mùa đầu tiên của các TT Clinton và Obama, năm 1994 và 2010, đảng nắm quyền DC đã mất 54 và 63 ghế. Chiếu
theo kinh nghiệm lịch sử, bây giờ đảng CH có mất 24 ghế thì cũng không phải là chuyện lạ. Theo nhiều
chuyên gia, DC có thể sẽ thắng từ 30 đến 40 ghế, chiếm đa số khoảng một
chục ghế tối thiểu.
Trước hết, phải nói cho ngay, mọi
tiên đoán của ‘chuyên gia’ đều không khác gì các tiên đoán của mấy ông thầy bói,
bất kể mù hay không. Tháng 9 năm 2016, bao nhiêu chuyên gia tiên đoán ông Trump
sẽ là tổng thống thứ 45 của Mỹ?
Bên nào thắng, bên nào thua, phải đợi sau bầu cử mới biết được chứ bây giờ
ai cũng mù tịt, phần lớn đoán mò theo tính phe đảng của mình thôi.
Điều chúng ta có thể bàn là chuyện gì sẽ xẩy ra sau kết quả bầu cử.
Nếu CH giữ được đa số Hạ Viện, TT Trump sẽ thúc đẩy hai dự án lớn mà ông muốn
thực hiện mà hiện nay chưa đi đến đâu hết. Đó là việc xây bức tường biên giới Mễ
và nâng cấp hạ tầng cơ sở, đường xá, cầu cống. Dĩ nhiên còn hai dự án nữa mà
ông sẽ cố xúc tiến là giải quyết vấn nạn di dân Nam Mỹ, và Obamacare. Ta sẽ thấy
tranh cãi ồn ào nhất, nhưng rồi cuối cùng TT Trump sẽ được mãn nguyện, không
nhiều thì ít.
Nếu CH thắng thì sẽ là chiến thắng vĩ đại của TT Trump, coi như ông này đã
hoàn tất việc ‘chiếm’ đảng CH. Việc ông ra tái tranh cử năm 2020 coi như chắc chắn, tuy tái đắc cử hay không là
chuyện khác. Có điều chắc chắn không kém là TT Trump sẽ cải tổ nội các sâu rộng,
kiếm người thực sự đồng chí hướng mà ông có thể tin tưởng tuyệt đối, để chuẩn bị
cho cuộc tranh cử 2020.
Về phần đảng DC, đây sẽ là đại họa. Trước tiên, đảng này sẽ bị phân hoá nặng
giữa phe ‘già’ tương đối ôn hoà Nancy Pelosi và Chuck Schumer, và phe thiên tả
nặng của ông cháu Sanders-OcasioCortez. Ta sẽ có dịp chứng kiến đại chiến nội bộ
DC, với hai bên xỉa tay đổ lỗi cho nhau về thất bại bầu cử. Bên nào thắng không
biết, nhưng có nhiều triển vọng cho dù phe già, ôn hòa thắng thì ông Schumer và
nhất là bà Pelosi có nhiều hy vọng mất job lãnh đạo đảng.
Các chuyên gia sẽ mổ xẻ vấn đề và nghiên cứu cách cứu sống cái xác ma DC.
Có nhiều triển vọng DC sẽ không hồi sinh lại kịp cho kỳ bầu tổng thống năm
2020.
Nếu DC chiếm đa số tại Hạ Viện như
nhiều người dự đoán, chính trường Mỹ sẽ đi từ bế tắc đến khủng hoảng.
Trường hợp nhẹ nhàng nhất, lạc quan
nhất là phe DC sẽ đưa ra hàng loạt dự luật
để TT Trump bác bỏ. Và Hạ Viện cũng sẽ biểu quyết chống lại tất cả mọi đề
nghị của TT Trump, và ông này sẽ chẳng làm gì được hết. Hai bên sẽ đổ thừa qua
lại suốt ngày. TT Trump có thể đi đánh gôn 7 ngày một tuần, 50 tuần một
năm, cũng chẳng sao ngoài việc bị chửi rủa mà ông sẽ lãnh đủ, cho dù ngồi nhà
không đi đánh gôn gì hết. Không đi đánh gôn thì có cả ngày ngồi tuýt cho TTDC
và phe cấp tiến phát điên.
Trường hợp thực tế hơn, Hạ Viện sẽ mở ra vài chục cuộc điều tra đủ kiểu, đủ
loại về cá nhân TT Trump, về tất cả các quyết định, các câu nói của ông từ ngày
ông bắt đầu biết nói, về các hoạt động của vợ lớn, vợ bé, vợ mới, vợ cũ, con
trai, con gái, dâu, rể, chú, bác, cô, dì, phụ tá kể cả tài xế, đầu bếp và cận vệ.
Tất cả các cô gái đứng đường tại New York từ 20 tuổi đến 80 tuổi sẽ được mời ra điều trần trước quốc hội. Cô
nào ‘may mắn’ có dịp giao du với ông Trump và sẵn sàng ra kể lại cho các dân biểu
nghe những chi tiết hấp dẫn sau bức màn the, sẽ được phong làm ‘anh hùng dân tộc’,
tặng cho chìa khoá Hạ Viện. Cả quốc hội sẽ làm việc overtime không ngừng nghỉ 365
ngày một năm cho đáng đồng lương từ
tiền thuế của chúng ta.
Trường hợp gia trọng nhất, Hạ Viện sẽ đàn hặc TT Trump. Tất cả đều tùy thuộc
tính toán chính trị qua thăm dò dư luận do các báo Washington Post và New York
Times tổ chức. Phe chủ trương đàn hặc có đủ túc số phiếu để đàn hặc hay không
là chuyện không quan trọng vì yếu tố chủ chốt là có dịp tố cáo, bôi bác, và hạ
nhục TT Trump trong màn kịch đàn hặc thôi vì ai cũng biết đàn hặc cuối cùng
cũng chẳng đi đến đâu vì không bao giờ có đủ phiếu tại Thượng Viện để truất phế.
Có khi thủ tục đàn hặc sẽ kéo dài năm này qua tháng khác, càng lâu càng tốt. Ít
ra thì cũng cản không cho ông Trump ra tranh cử lại năm 2020. Giống như cuộc điều tra của công tố
Mueller, kéo dài lê thê lướt thướt để nuôi dưỡng những nghi ngờ và chỉ trích.
Sau khi thất bại, đảng CH sẽ phải tự mổ xẻ, nghiên cứu cách cứu vãn tình thế.
Cuộc chiến giữa TT Trump và phe #NeverTrump sẽ tăng cường độ và cả hai bên sẽ đổ thừa qua lại về
trách nhiệm thất bại trong cuộc bầu quốc hội.
Phúc trình của công tố Mueller cũng sẽ đóng một vai trò, quan trọng hay
không tùy theo tình hình.
Nếu phúc trình được đưa ra trước ngày bầu cử và tố giác TT Trump về một hay
nhiều tội nào đó thì sẽ là đại họa cho đảng CH vì sẽ được phe DC khai thác triệt
để trong cuộc bầu cử. Ngược lại nếu bạch hóa ông Trump thì phe CH sẽ khai thác
tối đa và phe DC mất thêm một lý do để được bầu.
Nếu ông Mueller đợi sau khi bầu bán mới công bố phúc trình thì cũng tùy
trong đó có tố cáo TT Trump tội gì hay không, và tùy phe nào thắng cuộc bầu cử.
Phe DC thắng và phúc trình kết tội TT Trump, bất kể tội gì, lớn hay nhỏ,
thì phúc trình sẽ được nâng lên tới mức quan trọng ngang hàng với Hiến Pháp và
đàn hặc sẽ dựa trên phúc trình này. Nếu phúc trình của ông Mueller bạch hóa mọi
tội của ông Trump, thì chỉ ba ngày sau là cả nước không còn nhớ ông Mueller là
ai nữa. Vào Google tìm tên ‘Mueller’ cũng không còn thấy nữa.
Nếu phe CH thắng cuộc bầu, phúc trình của ông Mueller sẽ mất hết ý nghiã, sẽ
bị phe ông Trump tìm cách chôn vùi bất kể TT Trump có tội gì hay không.
Quý độc giả thấy ngay quá nhiều cái ‘nếu’ nên tất cả những lời bàn đều vô
giá trị.
Dù sao thì cũng chẳng có cách nào TT
Trump bị truất phế bất kể kết quả bầu cử, và ông sẽ ngồi tới 2020. Ra tranh cử nữa hay không khi đó mới tính được.
Cuộc bầu quốc hội cuối năm nay sẽ là yếu tố quyết định lớn nhất. Các cuộc tấn
công của ông Mueller và TTDC là con dao hai lưỡi, chưa biết sẽ chém trúng Trump
hay trúng đảng DC.
Câu hỏi tới, dân tỵ nạn sẽ làm gì? Dĩ nhiên, một số lớn sẽ chẳng để ý gì hết,
một số nhỏ sẽ rủ nhau đi bầu, nhất là khi có một ứng cử viên gốc Việt tranh cử.
Hầu hết dân tỵ nạn ta chẳng là đảng viên đảng chính trị Mỹ nào, phần lớn vì
không hiểu rõ khác biệt về hai đảng. Một số lớn sẽ bầu cho ứng viên gốc Việt, bất
kể thuộc đảng nào. Nếu có hai ứng cử viên gốc Việt thì đa số sẽ bầu cho ông/bà
DC, chỉ vì thành kiến cố hữu DC là ‘đảng của dân nghèo’, DC là ‘đảng của trợ cấp’.
Thái độ đúng đắn nhất có phải là không a-dua theo chiều gió của TTDC không?
Nên quên chuyện đảng phái chính trị Mỹ đánh nhau, quên chuyện cấp tiến, bảo thủ
Mỹ đánh nhau, hay chuyện TTDC đánh tổng thống, quên luôn ba cái tuýt lăng nhăng
của Trump mà chính mình cũng chưa đọc hay đọc mà không hiểu rõ, mà hãy nhìn cho
kỹ đảng nào đang làm gì có lợi hay có hại cho gia đình và cá nhân mình, cho cộng
đồng tỵ nạn, và cho quyền lợi dân và nước Việt của ta.
Với khối dân lao động, nhớ lại xem đảng nào đang mang lại công ăn việc làm
cho dân, trong đó dĩ nhiên có dân tỵ nạn ta?
Nếu là dân trung lưu phải đóng thuế bá thở, thì có nên suy nghĩ lại xem đảng
nào đã giảm thuế cho mình không? Hay nhìn xa hơn nữa, đảng nào chủ trương thu hồi
luật giảm thuế của TT Trump?
Nếu là dân đang sống nhờ trợ cấp, cần tự hỏi trong lịch sử, đã có tổng thống
CH nào cắt trợ cấp như phe cấp tiến hù dọa chưa?
Nếu là người có nhu cầu y tế, hãy coi lại xem với Obamacare, mình đóng bảo
hiểm đắt hơn hay rẻ hơn, tiền deductible cao hơn bao nhiêu, lấy hẹn bác sĩ chờ
lâu hơn bao lâu?
Nếu còn nghĩ đến quê nhà, nghĩ lại thử Mỹ bắt tay với Nga chặn Trung Cộng tốt
hơn? Hay Mỹ đánh Putin, bắt tay với Tập Cận Bình lập đặc khu kinh tế tại VN tốt
cho nước ta hơn?
Cuối cùng, nghĩ lại thân phận tỵ nạn có ‘sướng’ không? Rồi nghĩ lại đảng
nào đã cắt hết viện trợ quân sự không cho QLVNCH súng đạn để tự vệ chống CSBV.
Nhất là nghĩ lại đảng của các ông Biden, Kerry, Brown,... có hoan nghênh khi
mình mới thoát nạn CS đặt chân đến nước Mỹ không?
Những câu hỏi trên, có cần viết câu trả lời ra không?