Trước ngày bầu cử giữa mùa tháng 11
vừa qua, TTDC và đảng Dân Chủ rầm rộ quảng bá ‘cơn thủy triều xanh’, nghĩa là
chiến thắng vĩ đại của đảng DC. Kết quả ngày bầu thật đưa đến tình trạng ‘thủy
triều nửa mùa’, với phe DC đại thắng tại Hạ Viện thật, nhưng lại đại bại tại
Thượng Viện là cơ quan có nhiều quyền hạn quan trọng hơn.
Chưa đầy một tháng sau khi các tân
dân biểu tuyên thệ nhậm chức, ta thấy hình như cơn thủy triều xanh tại Hạ Viện
thật ra cũng không phải màu xanh mà là … đủ màu như cầu vòng sau cơn mưa.
Bình tâm mà nhận định, chiến thắng của DC tại Hạ Viện không quan trọng bằng
chiến thắng của CH tại Thượng Viện. Ít nhất vì hai lý do.
Thứ nhất, Thượng Viện phê chuẩn nhân viên nội các cũng như các thẩm phán, đặc
biệt là thẩm phán Tối Cao Pháp Viện. Thượng Viện cũng phê duyệt các thỏa ước quốc
tế lớn. Đây là những việc làm để lại dấu ấn cho cả thế hệ chứ không phải chuyện
vài tháng, vài năm. Thứ nhì, các thượng nghị sĩ được bầu với nhiệm kỳ 6 năm chứ không phải 2 năm như dân biểu. Nôm na ra, chiến thắng của DC tại
Hạ Viện có thể biến mất ngay từ năm 2021, tức là chỉ hai năm nữa.
Nhưng nhìn kỹ lại thì... chẳng có thủy triều gì ráo và cũng chẳng có bên
nào thắng hết. Quốc hội là ‘cơ quan’ làm luật, mà luật muốn có thì phải cả Thượng
lẫn Hạ Viện đồng thuận rồi tổng thống ký. Bây giờ hai đảng khác nhau hơn mặt trời
với mặt trăng, mỗi đảng nắm một viện, bảo đảm sẽ chẳng có một luật quan trọng
nào được ra đời trong hai năm tới. Chẳng bên nào thắng, chỉ có một bên thua đậm:
đó là ‘bên’... dân Mỹ! Nhìn
vào cuộc chiến ngân sách và đóng cửa Nhà nước thì biết.
Trở về câu chuyện thủy triều tại Hạ Viện, khi kẻ này viết đủ mầu thì có
nghiã là khối tân dân biểu DC thật ra chẳng có gì có thể gọi là một khối thuần
nhất màu xanh hết. Trái lại màu mè ô hợp hơn điã cơm chiên Dương Châu, xanh đỏ
tím vàng,...
Ngay từ một ngày sau bầu cử, đảng DC đã nhốn nháo tranh dành cái chức chủ tịch
Hạ Viện, khiến bà Nancy Pelosi, cựu chủ tịch khi đảng DC còn nắm đa số dưới thời
TT Obama, phải đôn đáo chạy ngược xuôi, điều đình, trả giá, mua chuộc, đe dọa, vuốt
ve,... làm đủ trò để tìm hậu thuẫn cho việc tái đắc cử chủ tịch của bà. Kết quả
bà cũng qua lọt, nhưng với khoảng 15 dân biểu DC bảo thủ của các tiểu bang miền Nam chống đối, không bỏ phiếu
cho bà. Thông điệp cho bà Pelosi: khối dân biểu bảo thủ gọi là ‘Blue Dogs’ này
chưa chắc sẽ biểu quyết theo chỉ thị của đảng DC trong tương lai đâu, nếu bà Pelosi
đi quá xa về phiá tả.
Chuyện đi quá xa về phiá tả là chuyện đang thực sự xẩy ra trong khối DC tại
Hạ Viện. Mà ảnh hưởng thiên tả mới này không phải từ cụ khủng long xã nghĩa Bernie
Sanders ra, mà là từ các tân dân biểu mới, thiên tả cực đoan còn hơn cụ Sanders.
Đây là những dân biểu rất trẻ, ra đời trong khoảng thời gian Liên Bang Sô Viết
đang hay đã bị xóa khỏi bản đồ thế giới nên chẳng biết mô tê gì về xã hội chủ
nghiã hay cộng sản chủ nghĩa ngoài việc nghe nói đây là thế giới của đại đồng,
nơi mà tất cả mọi người đều bình đẳng và tất cả mọi thứ đều... miễn phí hết. Đặc
điểm chung hiển nhiên nhất của đám dân biểu trẻ cùng với đám cử tri trẻ bầu cho
họ là tất cả đều chưa bao giờ học hay đọc lịch sử thế giới, chưa bao giờ biết
xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa áp dụng vào cuộc sống thực tế như thế
nào.
Trong vấn nạn di dân nóng bỏng hiện nay, quan điểm của khối trẻ thiên tả
này rõ nét và giản dị nhất: ân xá tất cả di dân lậu, mở toang cửa biên giới và
giải tán cơ quan ICE, Immigration Customs and Enforcement, là cơ quan kiểm soát
di trú.
Tiêu biểu nhất trong đám dân biểu trẻ cực đoan này dĩ nhiên là cô
Alexandria Ocasio-Cortez, đắc cử dân biểu tại New York khi vị tiền nhiệm của cô
coi thường cô này, không thèm đi vận động tranh cử chống cô, để rồi bị ngã ngựa
hoàn toàn bất ngờ.
Chương trình kinh bang tế thế của cô Ocasio-Cortez rất giản dị: tất cả học
sinh, sinh viên đi học miễn phí, tất cả chi phí y tế của cả nước cũng miễn phí,
tất cả dân thất nghiệp lãnh tiền thất nghiệp vô hạn định, tất cả ông già bà lão
lãnh tiền già vô điều kiện, miễn thuế,... “Tất cả” ở đây bao gồm cả di dân lậu luôn,
không được kỳ thị họ.
Vài chuyên gia ăn không ngồi rồi, không có chuyện gì khác để làm, nên lẩn
thẩn ngồi tính nhẩm và khám phá ra chương trình của cô dân biểu này sẽ tốn khoảng
40-50.000 tỷ đô một năm. Để
quý độc giả có một khái niệm cụ thể: ngân sách của nước Mỹ hiện nay là hơn 4.000
tỷ, chưa tới một phần mười số tiền
cô Ocasio-Cortez muốn tặng thiên hạ. Một cách nhìn nữa: TT Trump xin 5 tỷ
để xây tường biên giới Mễ, coi như cô Ocasio-Cortez dự tính chi xài 10.000 đô và
ông Trump chỉ xin có đúng 1 đô trong đó để xây tường bảo vệ biên giới mà phe DC
hiện nay không cho.
Tiền đâu ra? Chuyện nhỏ: đánh thuế các đại gia, lấy tới 70% lợi tức của họ, và... quốc hữu hóa ngành
ngân hàng. Có hai vấn đề lớn với đề nghị thuế của cô này: 1) nếu các đại gia này ngu xuẩn hết, ngoan
ngoãn đóng góp hết 70% lợi tức
của mình cho IRS, thì họ đã chẳng bao giờ thành đại gia, và 2) cho dù họ đóng
thuế đầy đủ, không trốn thuế, chỉ sau một-hai năm là họ hết còn là đại gia, khi
đó cô Ocasio-Cortez thu thuế của ai? Còn đề nghị quốc hữu hoá ngân hàng để thâu
tóm tiền thiên hạ và tự do in tiền mới thì xin miễn bàn thêm. Cô gái cựu chuyên
gia... pha rượu (bartender) chắc trước đây đã nếm rượu quá nhiều nên đầu óc có
vấn đề. Cô cũng là người trước đây giải thích “dưới thời TT Trump, tỷ lệ thất
nghiệp thấp vì đã có quá nhiều người làm hai jobs”! Không ai hiểu cô
Ocasio-Cortez tính toán như thế nào, chỉ biết cô tân dân biểu này hiểu kinh tế không
hơn gì kẻ này hiểu kỹ thuật mổ óc.
Đám tân dân biểu chẳng những đầy những
người ù ù cạc cạc như cô Ocasio Cortez, mà còn có cả đám trước đây hình như làm
nghề chửi mướn.
Dân Mỹ gốc Ả Rập Palestine, là vùng
đất Trung Đông đang có xung đột Ả Rập – Do Thái, hân hoan ăn mừng lần đầu tiên
một cô Mỹ trẻ gốc Palestine, cô Tlaib được bầu làm dân biểu. Lần đầu tiên dân
Palestine có tiếng nói trong Hạ Viện Liên Bang Mỹ, không hãnh diện sao được? Thế
nhưng tiếng nói đó đã nổi lên trong… giông bão khi cô Rashida Tlaib trong bài
diễn văn đầu tiên tại Hạ Viện, lớn tiếng đòi “đàn hặc tên… motherfucker” Trump
(Diễn Đàn này không dám dịch chữ này, quý độc giả hiếu kỳ có thể tự tra tự điển!).
Lần đầu tiên trong lịch sử quốc hội Mỹ có đại diện của dân Mỹ gốc Palestine,
cũng là lần đầu tiên danh từ ‘motherfucker’ được long trọng cho vào ngôn ngữ Hạ
Viện Mỹ.
Khối dân biểu DC cũng vẫn bị ám ảnh nặng bởi bệnh Dị Ứng Trump. Ông dân biểu
Cali (dĩ nhiên!), Brad
Sherman mới tái đắc cử, ngay ngày đầu đã đệ nạp dự luật đàn hặc TT Trump về tội
“cản trở công lý khi sa thải giám đốc FBI James Comey khi ông này đang điều tra
về vụ ông Trump thông đồng với Nga”. Đây là việc công tố Mueller đã điều tra từ
cả hai năm nay mà vẫn chưa ai thấy báo cáo gì, nhưng ông Sherman đã mau mắn vác
cái cầy đặt trước con trâu, đòi đàn hặc TT Trump ngay.
Chỉ khiến bà tân chủ tịch Pelosi bối rối cải chính “job của tôi không phải
là đi đàn hặc tổng thống”.
Nói tóm lại, khối DC trong Hạ Viện bây giờ rất ‘đa dạng’. Già và dầy kinh
nghiệm đấu đá như cụ khủng long Pelosi, trẻ nhưng háu đá như cô Tlaib; bảo thủ
như khối dân biểu ‘Blue Dogs’ của các tiểu bang miền Nam cho đến cực tả như cô
Ocasio-Cortez; cũng không thiếu gì các ông bà Hồi giáo là tôn giáo thời thượng
mới của Mỹ hiện nay, bên cạnh các ông bà công giáo, tin lành, mormons, vô thần,...
Chính trị Mỹ thật vô cùng ... hào hứng. Bên CH thì TT Trump vật lộn với mấy
ông bà CH trong nhóm chống Trump đến cùng #NeverTrump. Bên DC thì bà
Pelosi bị khối dân biểu miền Nam chống đến cùng trong khi bà phải chạy xuôi chạy
ngược lôi mấy con cừu đi lạc lung tung về lại. Nhìn lại ‘quốc hội đại tài’ của
ta, hình chụp nào cũng thấy một nửa số dân biểu hiện diện đang… ngáy, thấy cụ tổng Trọng khỏe hơn nhiều!
Bức tranh ‘đa dạng’ của đảng DC được
thể hiện rõ nét nhất trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.
Tuy còn hai năm mới bầu, nhưng cho
đến nay, hai tuần sau khi quốc hội mới tuyên thệ nhậm chức, đã có 4 người chính
thức ghi danh tham dự cuộc chạy đua marathon này rồi: hai bà thượng nghị sĩ thiên
tả Elizabeth Warren của Massachusetts (ghế của cố TNS Ted Kennedy trước đây) và
Kirsten Gillibrand của New York (ghế của bà TNS Hillary trước đây); ông cựu thị
trưởng San Antonio (Texas) với cái tên mà nhiều dân Cuba ở Miami nghe thấy đã
run lẩy bẩy, Julian Castro; và một bà dân biểu Hawaii mà tên tuổi nổi bật trên
đúng một hòn đảo lớn bằng chiếc xe Toyota minivan, bà Tulsi Gabbard.
Quý vị độc giả ủng hộ đảng DC khoan
lo lắng. Đó chỉ là danh sách sơ khởi của vài con thiêu thân đầu tiên thôi. Các
chuyên gia tính nhẩm sẽ có từ hai đến ba chục ứng cử viên của đảng DC tranh
nhau đúng một cái chức vô địch DC để có dịp lên thượng đài cùng võ sĩ Trump mà
họ đều yên chí sẽ thảm bại trước bất cứ ứng cử viên DC nào. Quý vị sẽ tha hồ lựa
chọn, nhiều món hơn ăn buffet cơm Tầu. Trận đấu trong khoảng một năm rưỡi nữa trong đảng DC sẽ thực sự hết sức
gay cấn và hấp dẫn, hơn xa tất cả các cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc trong lịch
sử Mỹ.
Ngoài cụ bà Warren ra, sẽ còn ít nhất hai ba con khủng long chính trị là
các cụ Bernie Sanders và Joe Biden. Chưa kể cụ bà Hillary cũng đang bận vấn kế
thầy tướng số xem tướng của mình có thể là tướng đại hoàng đế như Võ Tắc Thiên
không. Tin buồn cho các cụ: theo thăm dò của Rasmussen, ba phần tư dân Mỹ muốn
thấy những bộ mặt mới.
Điều phiền toái hơn nữa cho các cụ là TT Obama đi gặp một ngôi sao trẻ mới
nổi của DC, Beto O’Rourke, sau đó tuyên bố đảng DC đang bị khủng hoảng lãnh đạo
và cần có ‘new blood’ –máu mới-. Một gáo nước lạnh dội lên đầu các cụ khủng
long quá tuổi hưu từ gần hai thập niên rồi mà vẫn còn hám danh, cố bám víu vào
hy vọng lên ngôi cửu đỉnh.
Anh ‘máu mới’ Beto O’Rourke trước đây là dân biểu Texas, hết nhiệm kỳ, ra
tranh cử thượng nghị sĩ chống ông Ted Cruz, nhưng thất bại mặc dù đảng DC đổ cả
chục triệu đô vào cuộc vận động của ông này. Dù thất bại, nhưng ông Beto vẫn được
đảng DC và nhất là TTDC bơm hóa chất Tầu vào người, biến ông này thành một vĩ
nhân khổng lồ, tung hô như một Kennedy tái sanh hay một Obama da trắng. Ông này
có đặc điểm nói chuyện ứng khẩu khá hay, nhưng hơi nhiều ngôn từ ‘băng đảng’
như sh...t, f...k, nhưng lại được TTDC ca tụng như là một chính khách gần với
dân, xử dụng ngôn ngữ của người dân thường. Trước đây, TTDC lên cơn sốc nặng sỉ
vả TT Trump khi ông này nói ‘shithole’, bây giờ lại ca tụng ông Beto. Ai giải
thích được, xin cho ý kiến.
Anh Beto cũng là người có ‘sáng kiến’ đặt câu hỏi tại sao nước Mỹ vẫn phải
chăm chỉ phục tùng các nguyên tắc chỉ đạo của các cha già lập quốc, đã được viết
vào cái gọi là Hiến Pháp từ hơn 250 năm trước. Câu hỏi cho anh Beto: xé Hiến Pháp thì anh ra tranh cử tổng thống
dựa trên cái gì?
Sau lưng các cụ khủng long này là hơn hai tá chính khách, mới cũ đều có,
già trẻ, nam nữ, đủ màu như trắng đen nâu [tuy chưa có vàng], chưa nổi tiếng
hay hết nổi tiếng, đang còn job hay đã về hưu nhưng ở nhà buồn quá, rất giàu có
thừa tiền vung ra mua danh hay chưa có tiền nhẩy ra để hy vọng mai này bán hồi
ký thành triệu phú như hai ông Clinton và Obama,... Xin miễn thứ cho kẻ này
không đủ chỗ trên diễn đàn để liệt kê hết danh sách nhóm người này.
Tóm lại là đủ loại người. Nhưng tất cả đều mang một mẫu số chung, gồm ba điểm:
1) bị bệnh dị ứng Trump rất nặng, 2) thiên tả nặng không kém, và 3) có tham vọng nặng hơn nữa và đều ước mơ
làm một Obama thứ hai, nhẩy vọt từ nhân viên tổ chức khu phố vào Nhà Trắng
trong nháy mắt.
Điểm nổi bật của mùa tranh cử tổng thống lần này là sự hiện diện đông đảo của
‘thế hệ chính trị gia mới’ của Mỹ; phụ nữ và dân da màu. Trong 4 người đầu tiên
ghi danh, có 3 bà và một ông da nâu gốc Mễ. Trong xã hội Mỹ, người ta thường
nói thứ nhất trẻ con, thứ nhì đàn bà, thứ ba chó mèo, thứ tư mới đến các ông.
Trong chính trị Mỹ hiện nay, thứ nhất đàn bà, thứ nhì da màu, thứ ba di dân lậu,
thứ tư mới đến các ông da trắng.
Trong số những người chưa lên tiếng chính thức nhưng đáng ghi nhận thì có 2
bà tương đối trẻ, đều là thượng nghị sĩ: các bà Kamala Harris (da đen) từ Cali và Amy Klobuchar của Minnesota. Và 3 ông da đen: Cory Booker của
New Jersey, Eric Holder cựu bộ trưởng Tư Pháp của TT Obama, Deval Patrick cựu
thống đốc Massachusetts.
Dù sao cũng phải công nhận bà Hillary và ông Obama đã có công rất lớn là
phá vỡ bức tường cản phụ nữ và dân da màu nhẩy vào vòng lãnh đạo đại cường Cờ
Hoa này. Những ngôi sao mới sẽ là những nhà lãnh đạo giỏi hay không là chuyện
khác.
Sự hiện diện mạnh mẽ của phụ nữ và dân da màu trong hàng ngũ các tay đua DC
cho thấy đảng này hiện này đang chú tâm triệt để vào khối cử tri thiểu số như
phụ nữ và dân da màu, từ da đen đến da nâu, trong khi có vẻ như đã bỏ cuộc,
không còn hy vọng vào đám dân da trắng trung lưu và lao động nữa.
Thành tích kinh tế của TT Trump, với việc tạo công ăn việc làm vững chắc
cho cả triệu dân trung lưu và lao động, hiển nhiên đã triệt tiêu mọi hy vọng
kéo hai khối cử tri này về lại đảng DC. Họ không thấy có lý do gì bầu lại cho
các ông bà DC là những tác giả của một nền kinh tế rùa bò thời Obama, là thời đại
huy hoàng của các kỷ lục về số người lãnh tiền thất nghiệp, số người lãnh trợ cấp,
số người lãnh phiếu thực phẩm, số người có Medicaid.
Đa dạng thì có thật, tốt hay không thì chưa biết. Chỉ biết chưa chi đã có đấm
đá nội bộ rồi.
Cụ Joe Lieberman, cựu thượng nghị sĩ, cựu ứng viên phó tổng thống của ông
Al Gore, công khai chê cô Ocasio-Cortez quá non choẹt (cô này mới 29 tuổi), thiên tả quá cực đoan, không phải là
‘tương lai của đảng DC’, và đang nhắc nhở cho thiên hạ biết đảng DC là đảng của
sưu cao thuế nặng và chi tiêu vung vít. Lão đồng chí Harry Reid, cựu lãnh tụ DC
tại Thượng Viện cũng đã cảnh giác cô Ocasio-Cortez là tăng thuế lên tới 70%
là chuyện vớ vẩn không bao giờ dân Mỹ
chấp nhận.
Các lãnh tụ của đảng DC, đặc biệt là bà Pelosi, đang kín đáo lôi cô
Ocasio-Cortez vào hậu trường, kêu cô bớt khoe hàm răng của cô đi.
Tại Hawaii, bà Gabbard cũng đã mở ngay cuộc nội chiến với bà đồng chí Mazie
Hirono, là bà thượng nghị sĩ Hawaii đã từng tìm cách chơi nổi khi đánh thẩm
phán Kavanaugh thẳng cánh cò trong cuộc điều trần trước Thượng Viện lần thứ hai
của ông Kavanaugh. Bà Hirono sau đó cũng đã cùng với bà TNS Kamala Harris cản
không cho phê chuẩn một thẩm phán liên bang do TT Trump đề cử vì ‘cái tội’ đã
là thành viên của một hội đoàn công giáo. Bà Gabbard chỉ trích bà Hirono đã quá
khắt khe không tôn trọng tự do tín ngưỡng, trong khi bà Hirono đả lại bà
Gabbard quá yếu ớt. Bà Hirono không có ý định ra tranh cử tổng thống, vậy mà vẫn
bị bà đồng chí Gabbard đánh, chỉ vì bà Gabbard muốn chơi nổi hơn. Chính trị Mỹ
là vậy, đồng chí là một chuyện, đánh nhau vẫn đánh nhau.
Ông Howard Dean, cựu chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC đã phạng “trong tất
cả các chuẩn ứng viên, bà Gabbard là người duy nhất không đủ khả năng và tư
cách làm tổng thống, vì bà này trước đây đã rất thân thiện với TT Assad của
Syria (đã qua tận Syria gặp
ông ta) và bà cũng đã từng chống
dân đồng tính rất mạnh (bà đã
từng tuyên bố đảng DC phải là đại diện cho tuyệt đại đa số dân bình thường, chứ
không thể là đại diện cho một nhúm đồng tính). Chưa gì thì gia cang đã xào xáo nặng rồi.
Trong phong trào nhẩy rào qua phiá thiên tả cực đoan của
cả đảng DC, phải nói vô địch là tân ‘tổng thống của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa
California’, ông Gavin Newsom. Ông Newsom dõng dạc tuyên bố Cali sẽ là tiểu
bang an toàn –sanctuary state- cho tất cả những di dân lậu nào muốn an toàn.
Cũng sẽ là tiểu bang cung cấp bảo hiểm và dịch vụ y tế miễn phí cho tất cả di
dân lậu luôn. Trên cõi đời ô trọc này, nhất là trong cái thành đồng tư bản Mỹ
này, chẳng có gì miễn phí hết các cụ ơi. Ông Newsom nói dóc thôi. Chi phí y tế
miễn phí cho di dân lậu thật ra sẽ được các công dân hợp pháp như quý cụ và con
cháu quý cụ è cổ ra đóng thêm thuế để Nhà Nước Cali có tiền chi trả đó, các cụ ạ.
Câu hỏi không có câu trả lời: ông
Newsom sẽ moi tiền ở đâu ra chi trả cho những lời thề non hẹn biển của ông ta,
khi tiểu bang Cali đã và đang gặp khó khăn tài chánh lớn, cho dù Cali đã là tiểu
bang với nhiều loại thuế nhất nước và với thuế suất cũng cao nhất nước rồi. Không cần biết, ông Newsom cứ hứa và vẫn
có người bầu cho ông ta.
Một mặt, bánh vẽ lúc nào cũng thấy rất ngon, vẫn có người thích ăn. Nhiều
người ăn bánh vẽ của TT Obama trong 8 năm liền, nhưng ăn bánh vẽ thì không bao
giờ no được nên vẫn cứ muốn ăn nữa, ăn hoài. Mặt khác, xin quý vị chuẩn bị túi
tiền, tân tổng thống CHXHCN Cali sẽ tìm đủ cách moi tiền thuế của quý vị trong
vài năm tới.