Trong thời gian qua, câu chuyện xây
tường biên giới Mễ-Mỹ đã gây bão táp lớn trong chính trường Mỹ. Hai chính đảng
DC và CH đều mang đại bác lớn nhất nã đạn qua lại, trong khi TTDC tung tin hỏa
mù khiến dân cả nước rối trí, chẳng ai còn hiểu chuyện gì đang xẩy ra nữa. Hiểu
lầm cũng tràn ngập cộng đồng tỵ nạn.
Bài này trên căn bản không có gì mới
lạ, chỉ là cập nhật và viết lại câu chuyện cho rõ ràng, hy vọng mọi người bớt
hiểu lầm và hiểu rõ vấn đề hơn thôi.
Trước hết, có lẽ phải viết cho
chính xác đây không còn là ‘câu chuyện xây tường’ mà phải nói là ‘cuộc chiến
xây tường’ mới đúng. Người ta có cảm tưởng tất cả những chuyện TT Trump làm từ
ngày đắc cử đến giờ đều bị phe đối lập biến thành những trận đánh sinh tử trong
một cuộc nội chiến chỉ khác trận nội chiến Nam-Bắc Mỹ trước đây là không có đổ
máu.
Kẻ này đã có dịp giới thiệu cho quý
độc giả hiện tượng ‘tận thế hàng tuần’, nếu không muốn nói là tận thế hàng
ngày, theo TTDC, ngày nào cũng là ngày tận thế của Trump. Thật ra, câu chuyện
xây tường chỉ là câu chuyện tẻ nhạt nhất trong các tin thời sự nóng hổi khác. Tẻ
nhạt nhất vì chẳng có gì mới lạ hết, đã có từ hơn ba chục năm nay. Diễn đàn này
đã bàn quá nhiều, bây giờ chỉ xin tóm lược ngắn gọn lịch sử câu chuyện di dân lậu.
Vấn nạn di dân lậu đã có từ ngày TT
Reagan ra sắc lệnh không được trục xuất khoảng 7-8 triệu di dân khi đó đang ở lậu tại Mỹ. Không trục
xuất có nghiã là ân xá, với hy vọng giải quyết được vấn nạn trong nhân đạo.
Thay vì giải quyết vấn nạn, sắc lệnh của TT Reagan đã gửi ra một thông điệp với
hậu quả hoàn toàn trái ngược: khuyến khích dân Mễ và Nam Mỹ tràn vào Mỹ tìm một
cuộc sống khá hơn.
Qua đến thời TT Clinton thì vấn nạn leo thang, trở thành khủng hoảng. Năm 1998,
có hơn 1,6 triệu di dân tràn lậu vào Mỹ, trung bình có gần 5.000 người vào Mỹ lậu
mỗi ngày, 365 ngày một năm) khiến TT Clinton phải ra luật chống di dân
gắt gao nhất trong khi bà Hillary phụ họa theo chồng, cảnh giác mối nguy di dân
lậu tràn ngập Mỹ. TT Clinton cũng tung ra một ‘vũ khí’ mới chống nạn di dân lậu:
xây tường. Vì không có luật gì của quốc hội, nên việc xây tường khi đó rất giới
hạn. Quốc hội do đảng DC nắm đa số, không phản đối.
Qua đến thời TT Bush con thì mọi người đều đồng ý phải làm một cái gì quy
mô và quy củ hơn chứ không thể tiếp tục để 5.000 người vào lậu mỗi ngày. TT Bush con chính thức xin
và được quốc hội phê chuẩn tiền để xây 700 dặm tường dọc biên giới Mễ, khoảng một phần ba chiều
dài biên giới. TT Bush cũng muốn ra luật cư trú mới, cho phép khối cả chục triệu
di dân lậu đang sống ở Mỹ có cách hợp pháp để trở thành công dân Mỹ. Nhưng giải
pháp của ông chết trong trứng nước khi quốc hội không đủ túc số phê chuẩn. Cả
hai phe DC và CH đều chống.
Đến thời TT Obama, ông tiếp tục xây bức tường dở dang của Bush. Mặt khác,
ông xin và được quốc hội phê chuẩn 40 tỷ để tăng cường việc phòng thủ biên giới qua các biện pháp khác như tăng
cường lính biên phòng, thiết lập các đồn canh, các phương tiện truy lùng dân vượt
biên, các máy điện tử tối tân nhất,... TT Obama cũng phát động cái mà ông hãnh
diện khoe là một chính sách trục xuất di dân lậu mạnh nhất và nhanh nhất, đưa đến
việc trục xuất nhiều di dân lậu nhất.
Tóm lại, cả ba tổng thống trước TT Trump đều coi việc phòng thủ biên giới
chống di dân lậu như thiết yếu nhất.
Đến phiên TT Trump. Ngay từ ngày còn tranh cử, ông đã lớn tiếng đả kích
chính sách của ba ông tiền nhiệm là hoàn toàn ‘chiếu lệ’, cho có, và không hữu
hiệu gì hết. Bằng chứng hiển nhiên là dưới ba đời tổng thống đó, số di dân lậu
đã leo thang mau chóng lên tới ít nhất là 12 triệu người, thậm chí có thể
lên tới 20 triệu người, chẳng ai biết chắc. Ông vạch ra xây 700 dặm tường vẫn
còn 1.300 dặm (2/3 chiều dài biên giới) bỏ trống, cần xây bít hết. Ông cũng tố
cáo đám di dân lậu phần lớn là thành phần bất hảo, băng đảng ma tuý, kiểu như Mễ
xả rác vào đất Mỹ, gây hại cho xã hội Mỹ cũng như khiến Mỹ tốn tiền duy trì an
ninh trật tự, chưa kể tiền nuôi đám di dân lậu chẳng đóng bao nhiêu thuế, cũng
như trong vấn đề kinh tế, di dân lậu đã đẩy mức lương trung bình của dân lao động
xuống thấp vì di dân lặu sẵn sàng làm mọi việc với mức lương rất thấp.
Hứa hẹn then chốt nhất của ông
Trump là sẽ xây một bức tường suốt dọc biên giới, không còn lỗ hổng nữa, và
cũng hứa sẽ bắt Mễ phải trả tiền xây tường.
Ông Trump đắc cử. Mau chóng tìm
cách thực hiện những lời hứa tranh cử. Ai cũng biết ông hứa rất nhiều chuyện, một
phần ông cũng không khác gì các chính khách ra tranh cử, hứa đủ chuyện để được
hậu thuẫn của càng nhiều khối cử tri càng tốt, phần khác quan trọng hơn là vì
ông thực sự thấy TT Obama đã để lại môt gia tài quá tệ, quá nhiều chuyện cần phải
thay đổi.
Một trong những chuyện lớn phải làm
là xin quốc hội phê chuẩn việc xây tường. Đưa đến chống đối tuyệt đối và bế tắc
lớn như ta đang thấy.
Phe cấp tiến trong thời gian qua đã
bóp méo vấn đề hoàn toàn để biến cuộc tranh cãi thành vấn đề nhận hay không nhận
di dân. Truyền thông tỵ nạn cũng hùa theo, chất vấn dân tỵ nạn Việt cũng là di
dân, tại sao bây giờ lại chống di dân? Ta vào nhà rồi đóng cửa không cho người
khác vào sao? Vấn đề không phải như vậy.
Ai cũng hiểu xứ Mỹ là xứ của di
dân, chẳng những sẵn sàng đón di dân mà lại còn cần di dân để có thể tồn tại và
tiến bộ. Ngay cả TT Trump cũng là di dân thế hệ hai. Chẳng ai chống việc nhận
di dân hợp pháp hết mà chỉ là chống di dân bất hợp pháp thôi. Nếu có bàn tán về
chuyện di dân, xin quý vị nhớ lưu ý yếu tố “bất hợp pháp”, đừng bắt chước TTDC
lập lờ đánh lận con đen không nhắc đến chuyện này, hay có nhắc thì cũng dùng
danh từ hoa mỹ “di dân không giấy tờ”. Cũng xin đừng hiểu ‘bất hợp pháp’ và ‘hợp
pháp’ chẳng có gì khác nhau.
Vấn đề thực sự không phải là TT
Trump muốn đóng cửa nước Mỹ, không nhận di dân nữa, vì nước Mỹ vẫn mở cửa, vẫn nhận
di dân hợp pháp như thường lệ, không có gì thay đổi. Vấn đề là việc di dân vào
Mỹ phải có kiểm soát, có trật tự, vào Mỹ trong khuôn khổ luật pháp hiện hành.
Điều không thể chấp nhận là việc cả triệu người tìm cách vào bất hợp pháp để rồi
có thể được hợp thức hóa tức thì trong khi biên giới phải mở toang cửa cho ai
muốn vào kiểu nào thì vào. Những diễn tiến hiện thấy tại San Diego là chuyện
quái lạ không ai hiểu nổi khi cả chục ngàn người đến biên giới, đòi hỏi nước Mỹ
phải mở toang cửa nhận hết, còn không thì phải trả 50.000 đô một đầu người để họ trở về xứ.
Đúng như thượng nghị sĩ gốc Cuba,
ông Marco Rubio đã nói, bức tường không phải là để đóng cửa không nhận di dân nữa,
mà chỉ là phương thức hữu hiệu nhất để hướng dẫn di dân vào Mỹ qua những địa điểm
có kiểm soát, hợp pháp, trong trật tự, không cho phép họ tràn vào Mỹ bất hợp
pháp qua vùng đồng không mông quạnh nữa.
Nhiều cụ tỵ nạn vì ghét TT Trump, lập lại những luận điệu cổ võ cho việc mở
cửa biên giới đón nhận di dân. Ngay tại đây, kẻ này công khai thách thức các cụ
đưa ra được bằng chứng của một xứ, bất cứ xứ nào cũng được, có chính sách mở
toang cửa biên giới, ai muốn vào đều được nhận vô điều kiện hết. Có cụ nào dám
nhận lời thách đố này không?
Nhiều người chống TT Trump dĩ nhiên
đã hỏi sao TT Trump đã không xin phê chuẩn tiền xây tường trong 2 năm qua, khi
CH còn nắm được cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện.
Chỉ là một câu hỏi móc để kiếm cớ
chỉ trích. Trong thể chế tam quyền phân lập của Mỹ, tổng thống muốn xài một đồng
cũng phải xin quốc hội, mà quốc hội muốn cho một đồng cũng phải có đồng thuận của
cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện. CH nắm cả hai viện không sai, nhưng tại Thượng Viện,
chưa bao giờ có đủ túc số 60 phiếu để
vượt qua sự chống đối tuyệt đối và ‘nhất trí’ của cả khối đối lập DC. Những người
tố cáo TT Trump, đã quên mất cái ‘gân gà’ di dân đã vướng mắc ở cổ họng ít nhất
5 ông tổng thống rồi.
Một yếu tố quan trọng khác cho việc không có dự luật về di dân trong hai
năm đầu của TT Trump là vì trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã nói rất cứng
nên đã khiến nhiều di dân lo sợ, không muốn qua Mỹ nữa vì sợ bị bắt và trục xuất.
Tất cả thống kê cho thấy con số di dân tìm cách vượt biên giới giảm mạnh, giảm
tới ba phần tư, ngay sau khi ông Trump đắc cử. Khiến nhiều người lạc quan, coi
như TT Trump đã đạt được mục tiêu mà không cần xây tường. Chuyện xây tường mất
phần nào ưu tiên. Hai ưu tiên khác quan trọng hơn là thu hồi Obamacare và giảm
thuế.
Cho đến khi vì mục đích kiếm phiếu cử tri, đảng DC tại vài nơi tung ra luật
an toàn cho di dân gọi là sanctuary laws, trong đó các chính quyền địa phương
hay cả tiểu bang tìm mọi cách bảo vệ di dân lậu.
Sanctuary laws đã là những thông điệp vang vọng qua cả khối Trung và Nam Mỹ.
Hàng triệu dân nghèo khổ đang mơ mộng một thiên đường mới, bị đám buôn người
khuyến khích, dụ dỗ, hứa hẹn và tổ chức để mang qua Mỹ bằng mọi cách, hợp pháp
cũng như bất hợp pháp. Chiêu bài mới là chỉ cần qua lọt biên giới là sẽ được
các sanctuary laws bảo vệ không bị trục xuất về xứ. Nghe quá hấp dẫn, không thể
không thử thời vận.
Các thống kê cho thấy số người tìm cách vượt biên lậu từ ngày ông Trump
tuyên thệ đến nay đã tăng gấp 15 lần, từ 2.000 người lên tới 30.000 người
một tháng. Đã vậy, cả đoàn ‘lữ hành’
với cả chục ngàn người ùn ùn đi bộ từ Trung Mỹ băng qua Mễ để tìm cách vào Mỹ.
Tình hình thay đổi mau chóng. Chuyện di dân đã trở thành khủng hoảng khẩn cấp,
không thể không giải quyết được nữa, bất kể việc đảng DC vùi đầu dưới cát, khẳng
định chẳng có khủng hoảng gì.
Thời điểm đó, tình cờ quái lạ, cũng
là lúc ngân sách hết hạn, quốc hội phải biểu quyết ngân sách mới cho tổng thống
để Nhà Nước có tiền tiếp tục làm việc.
Thượng Viện biểu quyết một dự luật
ngân sách trong đó vì nhu cầu cần phiếu của các nghị sĩ DC, việc cấp tiền xây
tường được hoãn lại qua tới sau đệ nhất tam cá nguyệt 2019, tức là sau cuộc bầu
cử tháng 11/2018, với hy vọng CH sẽ
thắng thêm vài ghế nữa, bảo đảm có thể vượt qua chống đối của chính vài thượng
nghị sĩ CH. Hạ viện khi đó
còn do CH nắm đa số, biểu quyết một ngân sách riêng trong đó lại có 5,7 tỷ để xây tường. Thượng và Hạ Viện họp lại
để điều đình một ngân sách chung được cả hai viện phê chuẩn và tổng thống ký
thì mới có tiền cho Nhà Nước tiêu xài. Không đi đến thoả thuận vì hiển nhiên, nếu
thêm 5,7 tỷ thì sẽ không đủ túc số 60 để thông qua Thượng Viện. Đi đến bế
tắc, không có ngân sách.
Qua tháng Giêng 2019, tân quốc hội
nhậm chức, DC chiếm đa số tại Hạ Viện trong khi CH tăng số phiếu tại Thượng Viện, nhưng vẫn
chưa đủ con số nhiệm màu 60 ghế.
Các tân dân biểu DC chơi nổi, bắt chẹt hay chính xác hơn, thách thức TT
Trump, biểu quyết ngay lập tức ngân sách mới trong đó không có một xu nào cho
TT Trump xây tường, chỉ có 1,3 tỷ ngân sách điều hành bình thường cho bộ An Ninh Lãnh Thổ, trong đó có ít
tiền bảo trì bức tường hiện hữu. Thượng Viện không làm gì hết vì theo lãnh tụ
khối đa số CH, không có giải pháp. Biểu quyết cho hay không cho tiền xây tường đều
không đủ túc số 60 phiếu.
Đến khi ngân sách hết hạn, Nhà Nước không có tiền, phải đóng cửa.
TTDC xúm vào đổ lỗi và chỉ trích TT Trump, làm như thể chuyện đóng cửa hay
mở cửa Nhà Nước là chuyện hoàn toàn do ngẫu hứng của một tổng thống, vui thì mở,
buồn thì đóng vậy.
Vấn đề đúng ra là Nhà Nước không có tiền vì quốc hội không cho tiền, không
có tiền thì hoặc là phải cho công chức tạm nghỉ, hoặc là bắt công chức đi làm
không lương. Câu chuyện giản dị như vậy mà nhiều người vẫn không hiểu hay không
chịu hiểu, nghiến răng đổ lỗi cho tổng thống. Cái xe không chạy được vì không
có xăng, không đổ xăng thêm mà chửi tài xế rồi bắt tài xế phải cho xe chạy lại không
thể là giải pháp. Chỉ là một cái mánh gian trá của phe đối lập, được nhiều người
sẵn thành kiến chống Trump lập lại.
Dù sao thì Nhà Nước cũng bị đóng cửa 35 ngày, rồi TT Trump nhượng bộ, thương thảo với các
đồng chí CH trong lưỡng viện, chấp nhận một ngân sách tạm cho dù không có tiền
xây tường để mở cửa lại công sở và trả lương cho công chức, ít nhất trong 3 tuần, tới 15/2, trong khi chờ đợi các bên
điều đình một giải pháp lâu dài hơn. Lưỡng viện mau mắn thông qua. Nhà Nước có
tiền trả lương công chức, mở cửa lại.
Phe DC hân hoan ca khúc khải hoàn, quảng bá rầm rộ tài của bà Pelosi đã hạ
gục TT Trump phải mở cửa Nhà Nước dù không được một xu nào xây tường. TT Trump
cho biết nhượng bộ để cứu đám công chức khỏi khó khăn tài chánh, nhưng hứa sẽ
có biện pháp cần thiết giữa tháng Hai nữa nếu không có thỏa thuận cho ông xây
tường.
Cho đến mức này thì có hai câu hỏi cần câu trả lời. Tại sao đi đến bế tắc
này, và sẽ giải quyết ra sao. Câu trả lời rất dễ.
Về phiá TT Trump, ông trở nên cứng rắn vì nạn di dân tràn lậu vào Mỹ đã trở
thành khủng hoảng lớn, nhất là khi cả chục ngàn người đang đứng bên kia San
Diego để tìm cách tràn vào Mỹ trong khi cả chục ngàn người khác đang chuẩn bị
khăn gói lên đường vào Mỹ từ Honduras, Guatemala,... Có khủng hoảng chưa? Hiện
nay, con số người bị bắt mỗi tháng khoảng 1.000 người mỗi ngày, thua xa
con số 5.000 dưới thời TT Clinton. Nhưng việc xây tường không phải chuyện có thể
làm xong trong vài ba ngày mà phải cả vài năm, từ giờ đến đó, ai biết được sẽ
có bao nhiêu ngàn người vào lậu mỗi ngày?
Về phiá DC, sau thất bại của bà Hillary, họ đã nhận chân ra vấn đề sinh tử
của họ là lá phiếu của di dân gốc La-Tinh. Ở đây không phải là số phiếu của
nhóm di dân lậu, mà thật ra DC nhắm vào 1) lá phiếu hiện hữu của dân gốc
Nam Mỹ đang sống hợp pháp có quyền đi bầu và sẽ bầu cho đảng nào họ thấy là
đang ủng hộ sự hiện diện của đồng hương của họ, là đảng DC; và 2) lá phiếu
trong tương lai lâu dài của cả triệu di dân đang và sẽ tiếp tục tràn vào Mỹ.
Tất cả những khẩu hiệu, những biện
giải về nhân đạo, về cái lều lớn đa dạng, về nước Mỹ là xứ của di dân,… tất cả
đều là khẩu hiệu hỏa mù lừa gạt thiên hạ vì sự thật là con số cử tri thôi.
Nhu cầu phiếu di dân Nam Mỹ là nhu
cầu cực kỳ quan trọng và trở thành sinh tử cho đảng DC khi một số lớn các cử
tri trung lưu và nhất là lao động da trắng đã ‘bỏ đảng’ trong cuộc bầu cử cuối
năm 2016 vừa qua, đưa đến thảm bại của bà Hillary và đảng DC, mất cả Thượng Viện
lẫn Hạ Viện, đưa đến hậu quả là DC mất luôn cả Tối Cao Pháp Viện và toàn thể hệ
thống Tư Pháp. Hy vọng khối cử tri trung lưu và lao động trở về với đảng DC lại
gần như đã thành mây khói khi TT Trump giảm thuế cho cả triệu dân trung lưu và
tạo công ăn việc làm cho cả triệu dân lao động.
Tất cả các luật sanctuary laws được
ban hành không phải vì tính nhân đạo hay gì gì khác, mà cũng chỉ nằm trong sách
lược mua phiếu La-Tinh thôi. Và phải nhìn nhận, đảng DC đã thành công lớn. Thống
đốc Cali ký luật cả tiểu bang là tiểu bang sanctuary, đưa đến chiến thắng lớn
chưa từng thấy cho DC trong cuộc bầu cử tháng 11/2018 vừa qua, trong một tiểu
bang mà 40% là dân gốc La-Tinh. Bà
thượng nghị sĩ CH gốc Việt Janet Nguyễn đã bị một ông DC gốc Mễ hạ.
Nhìn vào sự thành công tại Cali, cấp lãnh đạo DC chỉ thấy có một chuyện: di
dân gốc La-Tinh quả thật đúng là những cứu tinh cho đảng. Tất cả mọi chính
sách, mọi cố gắng, mọi nỗ lực phải tập trung vào việc lấy hậu thuẫn của khối
dân này. Giải thích sự cứng rắn của bà Pelosi và khối DC trong việc nhất định
không cho TT Trump xây tường cản di dân La-Tinh.
Tin mới nhất, lưỡng viện quốc hội thỏa thuận một ngân sách mới trong đó chỉ
có 1,4 tỷ đô để xây thêm 55 dặm tường. TT Trump chấp nhận để có ngân
sách điều hành quốc gia, nhưng mặt khác ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn
trương, lấy 8 tỷ đô tiền
trong các quỹ đặc biệt của bộ Tài Chánh và bộ Quốc Phòng để xây thêm 200 dặm tường.
Theo Hiến Pháp, ban bố tình trạng
khẩn trương cho phép tổng thống có quyền xài tiền mà không cần xin phép quốc hội.
Trong quá khứ, chuyện ban bố tình trạng khẩn cấp là chuyện thường tình, như TT
Obama đã làm 12 lần trong 8 năm của ông, nhưng thường chỉ áp dụng khi có thiên
tai lớn. Quyết định có tính chính trị của TT Trump chưa hề xẩy ra trong lịch sử
Mỹ và các chuyên gia luật pháp ồn ào tranh cãi xem tổng thống có quyền đó
không. Hiến pháp Mỹ không định nghiã rõ ràng khi nào có thể gọi là “tình trạng
khẩn trương”. (Mở ngoặc: xin các cụ tỵ nạn thích hay ghét Trump khoan phán quyết
vội khi các đại luật gia Mỹ còn đang tranh cãi!)
Bà chủ tịch Hạ Viện chống đối sắc lệnh
dĩ nhiên, nhưng vẫn chưa biết phải làm gì. Trên căn bản, lưỡng viện quốc hội có
quyền bác bỏ sắc lệnh của TT Trump tuy chưa bao giờ làm chuyện này, nhưng bây
giờ, có hai vấn đề lớn. Thứ nhất DC không có đủ đa số tại Thượng Viện để thu hồi
sắc lệnh của TT Trump; thứ nhì, ngay cả trong Hạ Viện có khá nhiều dân biểu bảo
thủ trong khối DC kín đáo ủng hộ chuyện xây tường, nếu có biểu quyết, họ sẽ bị
lộ mặt là đi ngược lại chủ trương của đảng DC, đưa ra hình ảnh một đảng DC
không đoàn kết, chưa kể đã đủ phiếu để thu hồi sắc lệnh.
Bà Pelosi có đủ kinh nghiệm chính
trị để không làm chuyện này, mà có lẽ bà sẽ thưa TT Trump. Nội vụ bảo đảm sẽ kéo
dài cả năm trời là ít và sẽ phải lên đến Tối Cao Pháp Viện, là điều bà Pelosi
cũng hơi ngại vì phe bảo thủ đang nắm đa số tại TCPV, chưa kể việc thưa kiện
kéo dài cả năm sẽ có ảnh hưởng lớn lên cuộc bầu tổng thống và quốc hội năm
2020. Bà Pelosi chắc đang bàn thảo và cân nhắc cho kỹ xem gió thổi chiều nào.
Ngay cả TT Trump cũng nhìn nhận đảng
DC có thể sẽ thưa kiện ông, nhưng đây là chuyện chưa xẩy ra trong lịch sử nên
chưa ai rõ quyền hạn của tổng thống đi bao xa, bên nào thua bên nào thắng.
Câu chuyện di dân còn dài, sẽ còn dịp
bàn nhiều…