Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc bên phiá đảng Dân Chủ đang rõ nét dần tuy
chưa đến màn cuối. Dù còn tới hơn hai tháng nữa mới có cuộc bầu sơ bộ đầu tiên
tại tiểu bang Iowa, người ta cũng thấy dường như sẽ là một cuộc chay đua hai
người, giữa cụ ông ngái ngủ Joe Biden và cụ bà xã nghĩa Elizabeth Warren.
Phải nói ngay, con đường đến Tòa Bạch Ốc của bà Warren còn xa, rất xa. Phải
hạ được lão đồng chí Sanders trước rồi đánh bại cụ Biden, hay bất cứ ứng cử
viên nào khác có hy vọng trúng số, rồi phải thắng được cả TT Trump luôn. Không
dễ dàng chút nào cho dù cả hai ông Biden và Trump đều đang bị đính líu vào nhiều
rắc rối chính trị khổng lồ trong khi cụ Sanders còn đang uống thuốc trợ tim sau
khi bị đứng tim cách đây vài tuần.
Như nhiều người đã biết, cụ bà Warren sanh năm 1949, năm nay đã đúng 70 cái xuân nâu. Để tránh thiên hạ
thắc mắc về cái nợ năm tháng chồng chất này, mỗi lần xuất hiện trước công chúng
là bà Warren luôn luôn tìm cách ‘chạy’ ra, vung tay vẫy lia lịa, thỉnh thoảng lắc
lư theo kiểu nhẩy tuýt mấy cái. Tất cả để chứng tỏ mình... chưa già.
Bỏ qua những chi tiết vớ vẩn này, ta thử nhìn vào chương trình kinh bang tế
thế của bà Warren nếu bà may mắn đắc cử thật (may mắn cho bà nhưng không may mắn
cho chúng ta!).
Phải nói ngay, bà Warren có quan điểm chính trị thiên tả cực đoan nhất, còn
hơn cả cụ xã nghĩa Bernie Sanders nữa. Bà Warren chỉ cần nhích thêm một bước nhỏ
nữa là sẽ đi đến... thiên đàng xã nghĩa mà Lê-nin mơ mộng, theo chế độ ‘kinh tế
thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa’.
Dĩ nhiên là bà sẽ không trở thành một tay độc tài sắt máu như Lê-nin, càng
không giết vài chục triệu dân như Mao hay Pol Pot. Cũng không núp dưới lá cờ đỏ
để thành đại gia như Nguyễn Tấn Dũng. Như vài cụ sống trong xã hội chủ
nghĩa Tây Âu đã bào chữa, xã hội chủ nghĩa không phải là cộng sản chủ nghĩa, với
bà TT Warren, sẽ không có ai bị đấu tố trước lưỡi cầy, cũng không ai bị đi tù cải
tạo mút mùa. Hiến Pháp Mỹ cũng như dân Mỹ nói chung sẽ không cho phép bà đi quá
xa như vậy.
Nhưng bà tổng thống cấp tiến cực đoan Warren sẽ vươn cánh tay tới từng nhà,
từng túi quần của mỗi người dân, sẽ khuếch trương vai trò công chức kế hoạch
hóa mọi chuyện, rồi kiểm soát tất cả qua một Nhà Nước Vú Em thư lại cực kỳ hùng
hậu và quyền thế, tìm mọi cách tái phối trí tài sản và lợi tức của người dân
nhân danh ‘công bằng và nhân bản’, bằng đủ loại thuế và luật lệ. Để rồi cuối
cùng, toàn dân sẽ được công bằng trước chén bo bo.
Hậu quả trước mắt của một chế độ vú em kiểu đó, là giới nhà nghèo cùng đinh
vẫn cùng đinh, không khá hơn, khối trung lưu đang ngắc ngư sẽ ngắc ngư mạnh
hơn, và khối gọi là nhà giàu sẽ chết tiêu. Chỉ có một khối ‘ăn nên làm ra’ là
khối công chức cạo giấy càng ngày càng đông đảo, đặc biệt là những người ở những địa vị có thể ‘làm ăn
ngoài lề’. Cái ngành học có tương lai nhất là quốc gia hành chánh, theo gương Phú Lăng Sa với trường Ecole Nationale d'Administration -ENA- là trường chuyên đào tạo đại quan, bộ trưởng và tổng thống Pháp.
Một cách tổng quát bà Warren được coi như là một trí thức thiên tả lớn
trong số các ứng cử viên lăng nhăng của đảng DC, một người với một chương trình
vĩ đại nhưng cụ thể, mạch lạc, rõ ràng là hùng hục đi về phiá tả, sặc mùi đấu
tranh giai cấp chống cường hào ác bá. Vấn đề của bà cũng là vấn đề của những bậc
đại trí thức, giáo sư đại học, tiến sĩ, bác sĩ, bàn sĩ,... tức là toàn những ý
kiến cao siêu, nặng lý thuyết trên mây, nặn ra trong bốn bức tường không có cửa
sổ nhìn ra thực tế đời sống của thiên hạ gì hết. Nói lý thuyết ít ai bằng,
nhưng chỉ có các vị trí thức với nhau hiểu nhau và vái lạy nhau thôi.
Chương trình của bà rất nhiều, tuy nhiên trong khuôn khổ bài bình luận này,
ta sẽ chỉ nhìn vào chương trình y tế của bà. Những chương trình khác thật sự chỉ
là những quà cáp mỵ dân linh tinh tặng cho đủ tầng lớp cử tri để lấy phiếu,
toàn là chuyện bá láp không đáng để tâm quá nhiều vì sẽ chẳng thực hiện được
bao nhiêu.
Thực tế mà nói, hệ thống y tế của Mỹ từ nhiều thế hệ qua, đã gặp nhiều vấn
đề gai góc mà chưa có một tổng thống nào giải quyết được, bất kể DC hay CH. Điểm
đặc biệt của y tế Mỹ là cái gì cũng quá đắt, nếu không có bảo hiểm là sẽ mệt, phá
sản như chơi, trong khi bảo hiểm lại quá đắt, nhiều người không mua nổi hay
không muốn mua.
Giải pháp của TT Clinton do bà Hillary sáng chế ra chết từ trong trứng nước
năm 1993 khi không tìm được hậu
thuẫn ngay trong nội bộ đảng DC. Giải pháp Obamacare, được thông qua bằng cửa
sau, qua một kẽ hở của thủ tục biểu quyết trong Thượng Viện, thì đang trên đường
phá sản khi cả triệu người bỏ mua bảo hiểm khiến hàng ngàn công ty bảo hiểm nhỏ
khai phá sản vì không thu đủ tiền bảo phí để bù đắp chi phí.
Bà Warren đã có một cố gắng phi thường để đưa ra một giải pháp, một việc
đáng khen. Vấn đề là thiện chí chữa bệnh có thể có, nhưng toa thuốc thì vẫn sai
bét. Cái giải pháp của bà không có gì mới lạ, không biết bao nhiêu người đã
‘nghĩ’ tới, nhưng chưa ai đưa ra được một đề nghị cụ thể và thực tiễn khả thi
nào. Chỉ vì cái giải pháp đó thật ra là hoàn toàn không tưởng, hoang đường vì tốn
kém đến mức vô lý mà tất cả những người biết làm tính 1+1=2 đều thấy không có cách nào thực hiện được.
Nhiều người tung hô cái gương của Na Uy mà quên mất cả nước Na Uy chỉ có 5
triệu dân trong khi Mỹ có tới 330 triệu. Miễn phí cho 5 triệu người dễ hơn nhiều.
Bà Warren đưa ra một chương trình y tế có tính thật sự ‘cách mạng’ –hay
chính xác hơn, có tính ‘cắt mạng’ không hơn không kém. Theo bà đề nghị, trong
vòng 5 năm tới, cả nước Mỹ sẽ
từng bước, đi vào cái bà gọi là chương trình Medicare For All, tức là chế độ bảo
hiểm y tế Medicare hiện nay của các vị cao niên từ 65 tuổi trở lên, sẽ được dần dần áp dụng cho tất cả
dân Mỹ, để rồi tất cả mọi người sống trên đất Mỹ, kể cả di dân lậu, đều sẽ được
Nhà Nước chăm lo sức khỏe đầy đủ như bên Âu Châu hết, và tất cả đều... miễn phí hết. Ngay cả chế độ bảo
hiểm y tế Medicaid -hay MediCal tại Cali- cho dân lợi tức thấp cũng bị hủy bỏ để sát nhập vào Medicare
For All luôn. Dĩ nhiên, chương trình sẽ đi từng bước. Đại khái Medicare for All
sẽ áp dụng ngay lập tức cho tất cả những trẻ em dưới 18 tuổi và những người được định nghĩa là ‘nghèo’. Sau
đó, mỗi năm sẽ có thêm một khối dân gia nhập tuy chưa có chi tiết chính xác. Cuối
cùng thì hệ thống bảo hiểm và dịch vụ y tế tư nhân sẽ hoàn toàn không tồn tại nữa.
Theo sự tính toán và thú nhận của chính bà Warren, chương trình Medicare
For All của bà sẽ ngốn 52.000
tỷ trong vòng 10 năm, hay 5.200 tỷ một năm. Đây là con số chính thức bà Warren đưa
ra, có nghĩa là con số thực sự chắn chắn sẽ cao hơn rất nhiều. Cứ cho là con số
này đúng đi, thì vẫn là con số kinh hoàng cho tất cả những ai biết được thực tế
ngoài mấy trang giấy trắng vẽ hiêu vẽ vượn. Mà đó là chưa kể cả chục món quà
khác mà bà Warren đã hứa như cả trăm tỷ để xóa tất cả các nợ của sinh viên, để
trợ cấp tiền thuê nhà của dân nghèo, để trợ cấp tiền giữ trẻ cho bố mẹ đi làm,
rồi đến các quà cáp lặt vặt vài trăm triệu như tiền giải phẩu cho tất cả lính Mỹ
muốn chuyển giới,...
Muốn có một khái niệm về con số 5.200 tỷ lớn nhỏ ra sao thì ta chỉ cần nhìn qua ngân sách hiện tại của cả nước Mỹ,
là cường quốc giàu và lớn nhất thế giới. Ngân sách cả nước hiện nay đã đạt mức
kỷ lục, khoảng 4.000 tỷ (trong
khi ngân sách của Anh Quốc chỉ có dưới 800 tỷ), trong đó có tất cả
các chi tiêu như quốc phòng, y tế, giáo dục, môi sinh, an ninh trật tự, canh
nông, giao thông vận chuyển, trợ cấp đủ loại, và cả tiền lãi trả trên công nợ
luôn. Chỉ chi tiêu có 4.000 tỷ thôi, mà nước Mỹ đã bị thâm thủng ngân sách cả
ngàn tỷ mỗi năm trong khi đã phải đi vay mượn tứ tung tới gần 23.000 tỷ.
Vậy mà bây giờ bà Warren đưa ra một chương trình y tế, vâng chỉ một chương
trình y tế không, đã là hơn 5.000 tỷ rồi. Cả thế giới không ai hiểu bà Warren làm sao kiếm ra được số tiền
này. Nếu kể các chi phí khác đang có, nước Mỹ của TT Warren sẽ cần chi tiêu gần
một chục ngàn tỷ một năm. Công nợ sẽ vọt ngay lên khoảng 50-60.000 tỷ, gấp
ba lần tổng sản lượng của cả nước hiện là 19.000 tỷ.
Không hiểu những vị đang ngoác miệng ra chửi công nợ của Trump nghĩ sao về kế hoạch của bà Warren. Nếu phải bầu giữa ông Trump với 23.000 tỷ nợ và bà Warren với 60.000 tỷ nợ, họ sẽ lựa ai nhỉ? Có cụ nào dám trả lời không?
Cho đến nay, bà Warren luôn luôn tảng lờ không trả lời rõ câu hỏi đầu tiên
là tiền đâu? Trước áp lực quá lớn, mới đây bà Warren đã đưa ra một kế hoạch
tương đối chi tiết nhất theo đó, bà khẳng định đám dân nghèo không phải đóng
thuế gì từ trước đến nay vẫn tiếp tục không đóng một xu thuế nào, đám dân trung
lưu đóng ít thuế cũng vẫn đóng thuế ít, chỉ có các đại gia, đại công ty mới phải
đóng thuế nặng, đặc biệt qua một loại thuế mới, đánh trên tài sản của các đại
gia, từ 1% đến 3%. Cụ thể, một tỷ phú như Bill Gates sẽ phải đóng khoảng 3 tỷ tiền thuế trên tải sản mỗi năm,
chưa kể mức thuế đánh trên lợi tức hàng năm.
Bill Gates sẽ có bao nhiêu năm để tuột xuống mức ‘trung lưu’ với mức thuế
này? Nếu cỡ như Bill Gates mà còn trở thành trung lưu trong có vài năm thì khi
đó bà Warren sẽ kiếm tỷ phú ở đâu ra để nộp thuế cho bà chi xài? Nên ghi nhớ kế
hoạch y tế của bà là 52.000 tỷ trong 10 năm đầu, sau đó sẽ là bao nhiêu trăm
ngàn tỷ nữa trong khi nước Mỹ khi đó sẽ không còn tỷ phú nào nữa?
Nhiều chuyên gia phân tích kế hoạch của bà Warren, cho rằng kế hoạch hoàn
toàn không tưởng, không thực tế, sẽ không thực hiện được. Thậm chí có chuyên
gia đã đi xa hơn, và lấy giả thuyết cứ cho là bà Warren sẽ tận thu được tất cả
loại thuế mà bà đề nghị, thì bà cũng vẫn chỉ thu được một phần nhỏ số tiền bà cần.
Chẳng hạn kế hoạch đánh thuế trên tài sản các tỷ phú của bà sẽ giúp bà thu được
gần 3.000 tỷ trong 10 năm nếu tận thu (nghĩa là nước Mỹ có tới 100 ông Bill Gates!), khoảng hơn 5% nhu cầu 52.000 tỷ.
Một nghiên cứu ‘không đảng phái’ của Ủy Ban Cho Một Ngân Sách Liên Bang Có
Trách nhiệm (Committee for Responsible Federal Budget) cho chúng ta một
khái niệm cụ thể và thực tế về sự tốn kém của chương trình Medicare for All của
bà Warren, không kể bất cứ chương trình nào khác. Muốn thực hiện chương trình y
tế này, Nhà Nước sẽ phải:
-
Tăng thuế toàn diện cho tất cả tầng lớp dân, bất
kể giàu nghèo;
-
Tính
trung bình, tỷ lệ thuế suất sẽ tăng 25 điểm, chẳng hạn như ai đang
đóng 15% thuế lợi tức sẽ phải đóng 40%,
hay những người đang đóng mức tối đa 37% sẽ phải đóng tới 62%;
-
Thuế đóng cho quỹ tiền già –payroll tax- sẽ phải
tăng hơn gấp đôi từ mức 7% hiện nay lên tới 16%, tổng cộng là 32% nếu kể luôn phần đóng góp tương đương của công
ty.
Một cách cụ thể, giả dụ như một độc
giả thuộc thành phần trung lưu thấp, hiện nay đang phải đóng 15% thuế lợi tức +
7% quỹ tiền già = tổng cộng 22% thuế. Với bà TT Warren, vị đó sẽ phải đóng 40%
thuế lợi tức + 16% thuế tiền già = 56% thuế. Cụ thể, nếu vị đó lãnh lương cho
là 36.000 đô một năm, hiện nay phải
đóng khoảng 8.000 đô tiền thuế, mỗi tháng còn mang về nhà được 2.300
đô; với bà TT Warren, vị đó sẽ phải đóng tới 20.000 đô tiền thuế, mỗi
tháng mang về nhà được 1.300 đô, không kể các khấu trừ gì khác. Khác biệt đóng thêm 1.000 đô một tháng chính là chi phí vị đó bị bắt
buộc phải trả cho Medicare For All của bà Warren mà bà gọi là miễn phí. Không
phải miễn phí đâu các cụ ơi. Và đó là cái mà bà Warren đã loay hoay giấu diếm
không dám nói thật cho mọi người.
Đây là những mức thuế còn cao hơn mức
của các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Đức, hay cả Canada, ngang ngửa với mức thuế
Bắc Âu của Na Uy, Thụy Điển,…
Câu hỏi dĩ nhiên là dân Mỹ có sẵn
sàng chấp nhận đóng thuế tới mức đó không.
Chưa kể một câu hỏi khổng lồ khác
mà chưa ai có câu trả lời cụ thể, bằng những con số. Đó là câu hỏi tăng thuế tới
những mức ghê gớm đó sẽ có tác dụng như thế nào trên năng xuất của người dân, trên
tình trạng kinh doanh, trên sự tăng trưởng của kinh tế, trên lạm phát hay giảm
phát? Bao nhiêu đại gia và đại công ty sẽ chân chỉ hạt bột đóng đầy đủ thuế
không thiếu một xu? Bao nhiêu đại gia và đại công ty sẽ tẩu tán tài sản và lợi
tức ra ngoài nước, cho gia đình, bạn bè, công ty ma,…? Bao nhiêu công ty sẽ duy
trì cơ xưởng ở Mỹ để đóng đủ thuế cho bà TT Warren, bao nhiêu sẽ đóng cửa đi mở
hẵng xưởng mới tại Nam Mỹ, Phi Châu hay Á Châu? Bao nhiêu dân lao động Mỹ sẽ mất
job giống như dưới thời Obama?
Theo chính như bà Warren thú nhận,
ít nhất sẽ có 2 triệu người bị thất
nghiệp. Một lần nữa, nếu bà Warren nói hai triệu thì con số thực sự sẽ cao hơn
rất nhiều, ai biết được bao nhiêu, có thể 5 hay 7 triệu không?
Bà Warren có giải pháp cho nạn thất nghiệp này không? Dĩ nhiên là có. Bà
tuyên bố “chẳng có gì quan trọng, đó là cái giá phải trả để tất cả mọi người được
hưởng Medicare miễn phí”, những người bị mất job phải đi tìm việc làm khác như “bán
bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm xe hơi,...” (nguyên văn ý kiến của
bà Warren). Bà Warren quên mất cả
triệu người mất job thì còn bao nhiêu người có tiền mua xe và mua bảo hiểm xe,
hay mua bảo hiểm nhân thọ, là một thứ xa xỉ phẩm mà dân lao động và trung lưu ít
khi mua. Thế thì làm sao bán bảo hiểm mà sống được?
Chương trình khủng long của bà Warren mang nhiều hậu quả vĩ đại trên phương
diện tiền bạc, công ăn việc làm cho dân, và kinh tế nói chung. Vĩ đại đến mức nào? Chẳng ai biết rõ.
Một khiá cạnh khác của vấn đề đã được
một giáo sư của Đại Học Harvard giải thích một cách ngắn gọn: “Sự lựa chọn hậu
thuẫn cho cạnh tranh, cạnh tranh tiếp sức cho sáng tạo, sáng tạo là cách duy nhất
khiến mọi thứ tốt hơn và rẻ hơn”.
Đây hiển nhiên là nền tảng của kinh
tế cạnh tranh thị trường. Khi Nhà Nước không cho dân lựa chọn, hủy cạnh tranh trong ngành y tế thì sẽ tạo
ngay phản ứng ngược là mọi thứ sẽ xấu hơn và đắt hơn. Bằng chứng cụ thể nhất là
sự thất bại của các xứ cộng sản là những xứ đã tập trung tất cả vào tay một
nhúm công chức sáng xách ô đi, chiều vác cặp về, tự cho là mình tài giỏi hơn cả
nước, có thể làm kế hoạch cho cả nước. Chẳng những vậy, đây cũng là một đám
tham nhũng, rất dễ bị mua chuộc bởi các đại tập đoàn chuyên mua bán ảnh hưởng gọi
là lobbyist groups.
Nước Mỹ đi tiên phong trên cả thế
giới, kể cả Tây Âu, trong lãnh vực nghiên cứu –research- đưa đến những phát
minh tiến bộ nhất về mọi ngành, kể cả trong việc chế thuốc, tìm phương cách chữa
bệnh và phát minh máy mọc và dụng cụ y khoa. Nhà Nước tập trung hết, trả lương
công chức chết đói cho tất cả thì ai rảnh hơi lo nghiên cứu sáng tạo nữa? Cứ
nhìn vào những phát minh mới thì thấy ngay hầu hết đều phát xuất từ Mỹ chứ không
phải từ Tây Âu. Cứ đếm giải Nobel khoa học xem bao nhiêu được tặng cho Mỹ. Nhìn
vào lịch sử nhân loại, có công chức nào lãnh giải thưởng nào về sáng tạo chưa?
Kết luận là gì? Cho đến nay, chưa có đến một người nào cho rằng kế hoạch của
bà Warren sẽ có thể áp dụng được, nhất là khi bà cũng long trọng hứa khối dân
trung lưu sẽ không phải đóng thêm một xu thuế nào để có Medicare For All.
Những đồng chí DC của bà Warren nghĩ sao?
Cụ Biden nhún vai cho rằng đây là chuyện không thể thực hiện được
–impossible-. Dân biểu DC John Delaney đang tranh cử tổng thống cho đây là chuyện
khùng điên –insane. Bà Hillary tuyên bố thẳng thừng bà không hiểu cái kế hoạch Warren
đó làm sao thực hiện được.
Bà Warren ra tranh cử với một chương trình thiên tả cực đoan còn hơn cả cụ
xã nghĩa Sanders. Vấn đề các chuyên gia đang gãi đầu gãi tai tìm câu trả lời là
tại sao các chế độ thiên tả từ cực đoan cộng sản đến xã nghĩa màu hồng của Tây
Âu đã đi từ thất bại toàn diện như khối CS Liên Xô đến khó khăn triền miên
trong các xứ Tây Âu, vậy mà tại sao lại đưa đến sự nổi bật của các ứng cử viên
thiên tả xã nghĩa Sanders và Warren tại Mỹ?
Câu trả lời không khó lắm có thể tìm thấy tại ba nơi:
-
Thứ
nhất, giới trẻ Mỹ sanh sau đẻ muộn sau khi chế độ CS đã bị vứt vào thùng rác lịch
sử, nhưng bị đầu độc bởi một hệ thống giáo dục thiên tả, cấp tiến từ khi mới bắt
đầu tập đọc ABC trong các lớp mẫu giáo, cho đến khi tốt nghiệp các trường đại học
cực tả như Berkeley, Harvard, Yale, Stanford,... Tất cả đều bị các giáo sư cho
thấy thế giới qua lăng kính thiên tả, chống cái gọi là đế quốc, tư bản, tài phiệt,
chuyên bóc lột thiên hạ đến tận xương tủy. Cái đám trẻ đó cũng hoàn toàn chỉ thấy
thế giới qua sách vở một chiều mà không một chút ý thức được sự thật ngoài đời
như thế nào.
-
Thứ
nhì, thiên hạ cũng có vẻ chán ngán cái giới cầm quyền quá phe đảng, quá tham
nhũng, bị chi phối quá nhiều bởi đồng tiền từ các tố chức mua bán ảnh hưởng
chính trị. Cụ Biden cũng đã từng công kích những tổ chức PAC, nhưng mới đây đã
thành lập một PAC cho chính mình vì cần tiền.
-
Thứ
ba, thiên hạ cũng thấy nước Mỹ có quá nhiều vấn đề lớn mà các chính khách từ
thiên hữu đến ôn hòa đã không có thuốc chữa. Quan trọng nhất là vấn đề y tế, dù
sao vẫn là cái nhức răng lớn khi y tế Mỹ vẫn đắt tiền nhất thế giới trong khi
Obamacare đã chẳng giải quyết được gì. Có lẽ nước Mỹ cần một giải pháp cực
đoan, quyết liệt nhất, là chuyện các cụ Sanders và Warren đang đề xuất.
Câu hỏi cuối cùng, nếu bà Warren chiến thắng trong khối DC, ra đấu tay đôi
với TT Trump thì sao? Hầu hết các chuyên gia của đảng DC đều xanh mặt nhớ lại
thượng nghị sĩ George McGovern ra tranh cử chống TT Nixon. Khi đó ông McGovern
chiến thắng, hạ đo ván TT Nixon tại đúng... một tiểu bang.
Trở lại giả thuyết trong đoạn mở đầu của bài này, cuộc đua bên DC dường như
là giữa hai người, cụ ông Biden, và cụ bà Warren. Đối với cử tri DC Mỹ, đây là
một lựa chọn có vẻ dễ, giữa cấp tiến vừa vừa hay cấp tiến nặng.
Nhưng đối với khối cử tri tỵ nạn Việt ủng hộ đảng DC, đây sẽ là một... nhức
răng vĩ đại trong mùa bầu sơ bộ. Một bên là cụ xã nghĩa của phe thiên tả đã từng
suốt ngày xuống đường hoan hô đám ‘người hùng dép râu VC’, và một bên là cụ Biden
là người đã nhất quyết không nhận dân tỵ nạn Việt khi họ đang kiếm chỗ trốn chạy
xe tăng VC. Lựa bên nào đây? Thôi thì nằm nhà chùm mền ngủ vậy!