Saturday, December 28, 2024

BÀI 366: VẤN NẠN 2 - KINH TẾ RỐI BÙ

   Như DĐTC đã trình bày tuần trước, trong ít năm tới, nước Mỹ sẽ phải trực diện với nhiều vấn nạn vĩ đại, lớn hơn xa tầm tay của một tổng thống, bất kể đó là TT Trump hay bất cứ ai khác. Tuần rồi, ta đã bàn qua đại nạn phân hóa chính trị đang phá nát nước Mỹ mà TT Trump sẽ chẳng những không có giải pháp hàn gắn, tái tạo đại đoàn kết toàn dân, mà trái lại, có thể khiến phân hóa nặng hơn, vì tính khí cứng rắn của ông, cũng như tính thâm thù cá nhân quá nặng của phe cấp tiến.

    Bài dưới đây sẽ bàn về đại vấn nạn thứ nhì là kinh tế, vì nước Mỹ, trong 4 năm dưới trào của cụ cấp tiến lờ mờ Biden, đã tới sát bờ vực phá sản, khi lạm phát vẫn ngất ngưởng trên mây, trong khi cả nước lại bị đe dọa bởi nạn suy trầm kinh tế. Nghĩa là Mỹ sẽ rơi vào tình trạng sản xuất trì trệ, phát triển dậm chân, công ăn việc làm ngày càng khó kiếm, trong khi vật giá tiếp tục leo thang, cạnh tranh ngày càng phức tạp và khó khăn với thế giới, nhất là với Trung Cộng. 

----------------

Kinh tế Trump - Nhiệm kỳ đầu

    Bốn năm dưới thời Trump -2017-2020- phải nói đúng là thời hoàng kim của kinh tế Mỹ:

  • kinh tế phát triển bình thường ở mức GDP tăng 2%-3% mỗi năm, là mức vừa phải của một kinh tế trưởng thành;
  • lạm phát được giữ trong khoảng hợp lý dưới 2,5% một năm;
  • lần đầu tiên từ thời TT Reagan cách đây trên dưới 40 năm, cả nước được giảm thuế;
  • các đại công ty, đại gia mang về nước hơn 1.000 tỷ đô đầu tư vào kinh tế Mỹ, mở hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho cả triệu người;
  • tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất từ gần nửa thế kỷ, ngay cả tỷ lệ thất nghiệp trong khối dân thiểu số da đen, da nâu, cũng đã rớt xuống những mức thấp nhất lịch sử.

    Mỹ gọi chuyện này là 'too good to be true', quá tốt để có thể là sự thật. Quả nhiên, đầu năm 2020,  cả tỷ vi khuẩn Corona từ Tầu cộng bay qua Mỹ, đảo lộn mọi chuyện. Kinh tế Mỹ cùng với kinh tế cả thế giới đóng cửa, tất cả các trường học đóng cửa, cả trăm triệu người bị nhiễm, hàng chục triệu người lăn ra chết trên cả thế giới.

    TT Trump lúc ban đầu, cũng như tất cả hơn 200 vị lãnh đạo thế giới, bối rối không biết phải chống đỡ ra sao, nhất là trong cái xứ Mỹ này, khi người dân được hưởng tự do cá nhân lớn nhất, giới hạn quyền tự do của họ, đưa ra những biện pháp kiểm soát chặt chẽ khó khăn trần ai nếu không có lý do chính đáng. Ban đầu, khi có vài ngàn người bị nhiễm trên thế giới, khi cả nước Mỹ mới cái vài ba người gốc Tầu bị nhiễm khi về Tầu ăn tết rồi trở về Mỹ, tất cả chưa đủ để có biện pháp cản trở quyền tự do tuyệt đối của dân Mỹ. Khi TT Trump ra lệnh cấm du khách từ Tầu cộng vào Mỹ, cụ Biden mau mắn tố giác ngay đó là hành vi kỳ thị ngoại quốc mất lý trí -irrational xenophobia.

    Mặc dù Trump là TT đầu tiên trên thế giới đã thi hành ngay những biện pháp kiểm tra việc dân Tầu vào Mỹ, đã tung ra ngay 18 tỷ đô cho các hãng bào chế thuốc lớn nhất thế giới để giúp họ xúc tiến việc nghiên cứu tìm thuốc chữa và thuốc ngừa, Mỹ cũng thiệt hại nặng nề với hơn một triệu người chết. Tất cả những tố giác Trump vô tài, bất cần, để cả nửa triệu dân chết, chỉ là những tố giác phe đảng rẻ tiền, phủ nhận thực tế lịch sử, cũng như để khỏa lấp tội của đảng DC và truyền thông khi đó đang vùi đầu vào việc đàn hặc cuội TT Trump.

    Đại dịch COVID phá tan tất cả thành quả kinh tế của TT Trump. Như cả thế giới, Mỹ đóng cửa kinh tế, cả chục triệu người mất việc. Đã vậy, TT Trump cũng đã phải tung ra hơn 4.000 tỷ đô tiền cứu trợ khẩn cấp cho dân, khiến công nợ tăng vọt.

Bidenomics và lạm phát

    Dân Mỹ run như cầy sấy, tin ngay những lời hứa hão của Biden, bầu cho cụ với hy vọng cụ sẽ chặn COVID hữu hiệu hơn, phục hồi kinh tế dễ dàng. Qua năm 2021, khi Biden tuyên thệ nhậm chức thì cụ hưởng ngay được cái may vĩ đại do Trump để lại là đã có thuốc ngừa và thuốc trị. COVID đã bị chặn. Thế đấy, nhưng Biden vẫn để cho COVID giết thêm hơn 700.000 người (theo thống kê của vẹt NgTàiNgọc đấy). Đã vậy, trong một biện pháp mỵ dân tuyệt đối, tân TT Biden ra lệnh tung thêm 1.900 tỷ đô trợ cấp mà tất cả các chuyên gia tài chánh cho là không cần thiết, trái lại, sẽ là một đại họa kinh tế. Y như rằng, gói quà này đã đẩy tất cả mọi giá cả lên khỏi trần nhà ngay lập tức, qua đêm. Trong khi hơn 4.000 tỷ trợ cấp của Trump đã không có ảnh hưởng lạm phát gì, thì 1.900 tỷ trợ cấp của Biden đã đẻ ra ngay con khủng long lạm phát. Chỉ vì khi đó, trợ cấp cứu dân đã không còn cần thiết nữa, cho dân tiền chỉ giúp dân đổ xô đi mua sắm gỡ trong khi việc sản xuất hàng hóa lại chưa xẩy ra kịp. Khi dân ôm cả mớ bạc mà hàng không có thì hậu quả dĩ nhiên, tất nhiên, đương nhiên, là giá cả gia tăng. Đó là kinh tế vỡ lòng dạy trong các lớp mẫu giáo mà Biden chưa học qua.

    Tình trạng lạm phát nổ bùng ngay trong năm đầu của Biden, tuy sau đó giảm lần. Tỷ lệ lạm phát 'giảm lần' không có nghĩa là giá cả hạ dần, mà trái lại, vẫn tăng không ngừng, chỉ là tăng chậm hơn thôi.

    Ở đây, Biden đã biểu diễn một trò lừa bịp dân thô bạo nhất. Trong năm qua, chính quyền Biden khua chiêng trống đã giảm lạm phát xuống gần mức bình thường của những năm dưới thời Trump, nghe như thể giá cả mọi thứ đang giảm lại xuống mức của thời Trump vậy. Thực tế đó là chơi trò ảo thuật với thống kê, để lừa bịp dân, không hơn không kém. Chỉ lừa được đám cuồng mê Biden, trong đó có không ít mấy con vẹt tị nạn, trẻ cũng như già.

Ghi chú: tỷ lệ 2,5% của năm 2024 là tính tới tháng 7/2024; tính tới tháng 10 thì là 2.9%

    Trên đây là thống kê chính thức chính quyền Biden đưa ra, có vẻ như giá cả đang giảm xuống mức của thời Trump. Xin thưa ngay với quý độc giả, 'coi dzậy chứ hổng phải dzậy đâu'.

    Muốn hiểu rõ lạm phát nặng tới đâu, thực tế là ta phải cộng tỷ lệ gia tăng mỗi năm vào với tỷ lệ của những năm trước. Xin dẫn cử một thí dụ cụ thể, dễ hiểu:

    Ví dụ một món hàng được bán với giá 100 đô năm 2016; qua năm 2017, tỷ lệ lạm phát là 2,1%, tức là cuối năm 2017, món hàng đó được bán với giá 100+2,1%= 102,1 đô; qua năm 2018, lạm phát là 1,9%, cuối năm 2018, món hàng đó sẽ được bán với giá 102,1+1,9%= 104 đô. Cứ tính tiếp tục dựa trên tỷ lệ lạm phát mỗi năm theo thống kê của chính quyền Biden, thì giá món hàng đó sẽ như sau:

  • 2016: $ 100,0
  • 2017: $ 102,1
  • 2018: $ 104,0
  • 2019: $ 106,4
  • 2020: $ 107,9
  • 2021: $ 115,5
  • 2022: $ 123,5
  • 2023: $ 127,8
  • 2024: $ 131,0
    Tóm lại, dưới thời Trump (2017-2020), món hàng đó đã tăng từ $100 lên tới $107,9 hay tăng tổng cộng gần 8%. Trong khi dưới thời Biden (2021-2024), món hàng đó đã tăng từ $107,9 lên tới $131,0 hay tăng 21%, gần gấp 3 lần dưới thời Trump. Nôm na ra, một món hàng quý độc giả phải trả 100 đô năm 2016, bây giờ 2024 sẽ phải trả 131 đô, nghĩa là lạm phát trong 8 năm qua đã là 31%, chứ giá cả không giảm gì hết. Chẳng có năm nào giảm hết! Năm nào cũng tăng, chỉ là tăng nhiều hay ít thôi. Nghĩa là khi Biden đấm ngực khoe lạm phát giảm chỉ là bốc phét lừa dân.


Giá cả từ 2016 tới 2014
4 cột chót bên phải là 4 năm dưới Biden. 


    Câu hỏi cho quý độc giả: trong 4 năm dưới Biden, lợi tức hay lương của quý vị có tăng lên tới 21% không? Nếu không thì quý độc giả đã lỗ khẩm, đã là nạn nhân của Bidenomics rồi. 

    Thật ra, vật giá gia tăng 21% là cách tính chung, chứ giá cả gia tăng không đồng đều, chẳng hạn như giá nhiên liệu -xăng- đã tăng tới hơn 50%, hay giá tiền điện tăng gần 33%.


Bidenomics và lãi suất

    Trước hết, cũng phải nói ngay, nước Mỹ cũng đang bị đe dọa bởi nạn kinh tế suy trầm khi lãi suất quá cao khiến không ai mượn tiền kinh doanh, hay mua nhà, hay mua xe, hay dùng thẻ tín dụng được nữa. Trên nguyên tắc, lãi suất tăng là biện pháp cố tình được đưa ra để giảm những vay mượn trên, giảm số cầu -hay tiêu xài- để giảm lạm phát. Trên nguyên tắc là như vậy, trên thực tế, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang đã tăng lãi suất liên tục từ 0% lên tới 5% mà lạm phát vẫn còn đó. Tăng tới mức nào thì có thể chặn lạm pháp mà không giết kinh tế, đó là bài toán mà kẻ này chưa đủ khả năng lạm bàn, chỉ biết gần đây, NHDTLB đã giảm lãi suất vài lần, bây giờ xuống còn 4,25%. Đã đủ chưa? Phe DC hoan nghênh hết mình, phe CH chê chưa đủ, giảm quá ít, cần giảm thêm để phát triển kinh tế.

    Bây giờ, ta biết ông Trump đã đắc cử TT, trong những ngày tháng tới ta sẽ thấy lãi suất thật sự biến chuyển như thế nào, bỏ qua những tung hô, chống đối mang tính màu mè chính trị phe đảng. Bây giờ là lúc phải có hành động cụ thể chứ không còn là lúc hô khẩu hiệu tranh cử nữa.

    Nói đi cũng phải nói lại: việc ấn định lãi suất thật ra không nằm trong quyền hạn của TT, mà nằm trong tay các thống đốc trong hội đồng quản trị NHDTLB, nhưng thực tế là TT có quyền thay đổi/bổ nhiệm những người này, trong khi TT vẫn có quyền lấy nhiều biện pháp có hậu quả kinh tế và tài chánh lớn, có hậu  quả trực tiếp trên quyết định của NHDTLB.

Bidenomics và công nợ    

    Một nan đề lớn khác là công nợ. Qua 4 đời TT mới đây, từ Bush con qua Obama, qua Trump rồi qua Biden, công nợ đã nhẩy vọt lên từ dưới 4.000 tỷ khi TT Bush con mới đắc cử năm 2001, lên tới 36.000 tỷ hiện nay, tăng gấp 8 lần.

    Vấn đề ở đây không phải là quy trách nhiệm lên đầu ai vì những gia tăng công nợ đều luôn luôn có giải thích, như: 
  • Bush con tăng 6.100 tỷ vì chiến tranh chống khủng bố nội địa sau 9/11, rồi chiến tranh chống khủng bố quốc tế tại Afghanistan và Iraq;
  • Obama tăng 8.400 tỷ vì hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq, cùng với khủng hoảng ngân hàng và gia cư năm 2009;
  • Trump tăng 8.200 tỷ vì COVID và giảm thuế;
  • Duy nhất, Biden tăng 6.200 tỷ ... để đấm mõm, mua phiếu cử tri, nghĩa là chẳng có lý do kinh tế chính đáng nào như các vị tiền nhiệm.
    Vấn đề phải trực diện là bây giờ phải làm gì để chặn bớt mức gia tăng của công nợ, hay nếu có thể đi xa hơn, trả bớt nợ. Chứ ai cũng thấy mức nợ này không có cách nào có thể kéo dài tiếp tục. Nợ càng cao có nghĩa là số tiền lãi phải trả càng cao, thâm thủng ngân sách càng lớn, giá trị đồng đô càng giảm, giá hàng nhập cảng càng cao, lạm phát càng bốc mạnh. Đó vẫn là kính tế nhập môn được dạy từ mẫu giáo mà Biden hay Kamala chưa học tới.

    Nói chung, gia tài Bidenomics để lại là một đống rác khổng lồ, đánh dấu bởi những tệ nạn vĩ đại là lạm pháp quá nặng, công nợ tăng quá nhanh, thâm thủng ngân sách ngày một lớn, thâm thủng mậu dịch ngày một rõ nét, đặc biệt là với Trung Cộng, thất nghiệp không suy giảm mà chỉ được che giấu bởi sách lược thuê công chức ào ạt để khỏa lập thống kê thất nghiệp,...

    Trước vấn nạn khổng lồ này, phe DC và CH muốn làm gì? Sẽ có cách nào mang nước Mỹ vượt qua đại nạn trước mắt?

Giải pháp của phe DC

    Trước khi rút lui khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, Biden khăng khăng khẳng định Bidenomics rất hữu hiệu, kinh tế Mỹ trong tình trạng rất tốt, lạm phát do Covid gây ra đã được kềm chế, không có gì phải lo, chẳng cần làm gì khác.

    Sau khi bà Kamala lên thay thế thì bà này nhìn nhận lạm phát có thật, và bà đưa ra giải pháp: sẽ cho lệnh kiểm soát giá, Nhà Nước sẽ ấn định giá cả mọi thứ, ai vi phạm ra giá cao hơn sẽ bị trừng phạt, đi tù không chừng. Giải pháp của Liên Xô, Cuba và CSVN thời bao cấp.

Giải pháp của TT Trump

    Phải nói ngay, ở đây, ta chỉ có thể ước đoán TT Trump sẽ làm gì dựa trên những diễn văn, những hứa hẹn của ông trong mùa tranh cử thôi. Dĩ nhiên, thực tế sẽ không cho phép ông Trump muốn làm gì thì làm, cũng như kết quả chẳng có gì bảo đảm sẽ y như ông ước đoán và hứa hẹn, một trăm phần trăm.

    Nói chung, sách lược kinh tế của TT Trump có thể tóm gọn lại qua 5 điểm:

  1. giảm thuế
  2. chính sách tiền tệ
  3. chính sách mậu dịch
  4. chính sách năng lượng
  5. giảm luật

1. Giảm thuế để dân đỡ khổ

    Cuối năm 2017, TT Trump tung ra luật thuế mới theo đó, tất cả mọi người đang đóng thuế lợi tức đều được giảm, đồng thời tất cả các công ty kinh doanh cũng được giảm thuế trên lợi nhuận. Luật đó có tính cách nhất thời, sẽ hết hiệu lực qua năm 2025 và khi đó các mức thuế lợi tức sẽ trở lại mức cao hơn mức của thời Obama. Tuy nhiên với sự đắc cử của ông Trump, tất nhiên, luật thuế này sẽ được gia hạn, có thể có thêm ít nhiều thay đổi.

    Theo như ông Trump đã hứa trong cuộc tranh cử, ông sẽ miễn thuế lợi tức cho 3 trường hợp: tiền tip hay 'boa'; tiền lương giờ phụ trội; và tiền già.

    Việc giảm thuế sẽ có ích lợi lớn nhất là tiếp tục khuyến khích các công ty đầu tư vào kinh tế Mỹ, xây hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho dân, sau đó, cho người dân giữ lại nhiều tiền hơn để chi tiêu, mua hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất và phát triển kinh tế nói chung.

    Tuy nhiên, bù lại, giảm thuế sẽ có thể gây ra nhiều tai hại lớn nhất thời như gia tăng thâm thủng ngân sách khi số tiền thuế Nhà Nước thu vào sẽ giảm mạnh, ít nhất trong thời gian một hai năm đầu. Sau một hai năm đầu, việc tăng gia sản xuất sẽ kéo theo tăng gia lợi nhuận công ty và lợi tức cá nhân, và như vậy số tiền thuế thu vào sẽ tăng theo lại. Việc cho dân nhiều tiền hơn để xài cũng có thể thúc đẩy việc gia tăng giá hàng, tức là tăng thêm lạm phát ít nhất trong thời gian đầu. Do đó, biện pháp giảm thuế cần phải có những biện pháp khác kèm theo để chặn lạm phát, chẳng hạn như cắt giảm mạnh chi tiêu của Nhà Nước, là trách nhiệm chính của hai ông Elon Musk và Vivek Ramaswamy.

2. Chính sách tiền tệ dễ dãi giúp phát triển kinh tế

    Ông Trump với kinh nghiệm doanh gia, tất nhiên muốn cổ võ một chính sách tiền tệ dễ dãi, có nghĩa là với lãi suất thấp, để khích động giới kinh doanh vay mượn nhiều hơn để phát triển kinh doanh của họ.

    Tuy nhiên, vấn đề lớn ở đây là trong tư cách tổng thống, ông Trump không có quyền định đoạt chính sách tiền tệ và ấn định lãi suất. Chuyện đó thuộc phạm vi quyền hạn của Hội Đồng Quản Trị các Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang. Mà ai cũng biết NHDTLB luôn luôn ưu tư về lạm phát, rất sợ chính sách tiền tệ dễ dãi, cũng như rất lo giữ tư thế độc lập của mình, không cho TT can thiệp vào chính sách tiền tệ quốc gia. Ở đây, mọi việc sẽ tùy TT Trump nói chuyện, thuyết phục hay quan hệ với NHDTLB như thế nào và họ nhìn tình trạng kinh tế, diễn giải các thống kê kinh tế như thế nào. 

    Trong tình trạng lạm phát không giảm mà có thể tăng lại, sẽ khó có được một chính sách tiền tệ dễ dãi như TT Trump mong muốn.

3. Chính sách mậu dịch nhắm tăng thuế quan hàng từ ngoài nước

    Khác với chính sách tiền tệ, TT Trump có rất nhiều quyền trong chính sách mậu dịch. Như ông đã hăm dọa, thuế quan trên rất nhiều thứ hàng nhập cảng, đặc biệt là từ Trung Cộng, Canada và Mễ, cũng có thể từ Liên Âu, sẽ bị tăng mạnh.

    Tại sao TT Trump muốn tăng thuế quan? Vì tăng thuế quan sẽ chặn bớt hàng nhập, giúp giảm thâm thủng cán cân mậu dịch, bảo vệ giá trị đồng đô trên thị trường hối đoái quốc tế, bảo vệ khả năng sản xuất hàng Mỹ, tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ, bớt lệ thuộc vào hàng nhập, và giúp ổn định giá hàng nội địa, cũng là một hình thức chặn lạm phát. Việc tăng thuế quan tất nhiên không thể đồng nhất cho tất cả mọi loại hàng hay tất cả hàng xuất xứ cùng một quốc gia, mà sẽ có chọn lọc, với mức thuế quan đánh nhẹ hay nặng tùy món hàng và tuỳ xứ xuất phát, hoàn toàn dựa trên tính toán về mức ảnh hưởng trên kinh tế Mỹ. Việc tính toán này cực kỳ quan trọng vì không thể tăng thuế quan nếu việc tăng này đưa đến hậu quả tăng giá sản phẩm này trên đất Mỹ. 

   Cái hại của việc tăng thuế quan dĩ nhiên là sẽ đưa đến chiến tranh mậu dịch. Do đó, việc tăng thuế quan tất nhiên cũng phải tùy thuộc phản ứng của các xứ bị tăng thuế quan. Tất cả sẽ phải qua những điều đình, thỏa hiệp song phương, tức là tay đôi giữa Mỹ và xứ liên hệ, đúng như ý TT Trump muốn. 

    Chính sách tăng thuế quan trên thực tế có rất nhiều giới hạn. TT Trump đã hò hét rất ồn ào về việc tăng thuế quan lên tới 30% hay 50% hay 100%,...  Nhưng ta phải hiểu tất cả đều chỉ là cách 'hét giá' của doanh gia Trump trước khi ông ta điều đình và trước khi đi đến thỏa hiệp.
 
4. Chính sách năng lượng để giảm giá thành

    Đây có thể là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chính sách năng lượng của TT Trump sẽ cố đưa Mỹ đến tình trạng tự túc về năng lượng, tức là về dầu xăng, dầu khí, hoàn toàn hết lệ thuộc vào tình trạng giá cả quốc tế, hay chính xác hơn, giá cả do các nước sản xuất dầu xăng dầu khí định ra theo nhu cầu tài chánh của họ. Việc Mỹ không lệ thuộc sẽ giúp ổn định giá nguyên liệu, không còn phụ thuộc vào những bất ổn do tình trạng quốc tế gây ra như chiến tranh Trung Đông chẳng hạn. Ta đừng quên dầu xăng rất cần thiết để di chuyển hàng hóa bằng tàu thủy, tàu bay hay xe tải, do đó là yếu tố quan trọng nhất trong giá thành rồi giá bán của tất cả mọi thứ hàng hóa. Giá xăng giảm chẳng hạn, sẽ đưa đến giảm giá đồng loạt của không biết bao nhiêu thứ hàng cần được di chuyển trên khắp nước. 

    Đó là cách hữu hiệu nhất để chặn lạm phát, cũng như để giúp phát triển kinh tế. Khác rất xa cách kiểm soát giá cả tuyệt đối tai hại mà bà Kamala đề nghị, theo mô thức của Nga, Cuba, và các nước CS. Cũng khác rất xa sách lược hoang tưởng cấm dùng dầu xăng để thay thế bằng  năng lượng 'sạch' như điện, gió, ánh sáng mặt trời,... của Biden.

    Mặt trái của vấn đề là sách lược này sẽ bị phe cấp tiến chống phá rất mạnh vì nhu cầu mà họ gọi là bảo vệ môi trường sạch cũng như chống hâm nóng trái đất. Vấn đề của TT Trump là phải cân nhắc, tìm một giải pháp vừa giúp tự túc năng lượng, vừa giới hạn những tai hại môi trường của chính sách này. Ưu tiên của Mỹ hiện nay ở đâu, là gì? Giảm lạm phát tức thời hay lo chống hâm nóng địa cầu trong ba vạn năm nữa. Nhu cầu môi trường sạch có thật trong tương lai tương đối lâu dài, không phải chuyện vớ vẩn, nhưng ưu tiên nhất thời vẫn phải là giải quyết vấn nạn lạm phát và trì trệ kinh tế, mang bánh mì lên bàn ăn của dân Mỹ ngay tối nay, quan trọng hơn nhiều.

5. Luật lệ và thủ tục hành chánh để giảm giá thành

    Đảng DC là đảng Vú Em, luôn luôn muốn bao đồng, lo cho thiên hạ từ ngày còn trong nôi tới ngày vào hòm như DĐTC đã bàn qua quá nhiều lần. Trong mục tiêu 'Vú Em' này, Nhà Nước ngày nào cũng sáng chế ra cả lô luật lệ và thủ tục hành chánh, cực kỳ nặng nề, trói gô kinh doanh để nuôi đám công chức thư lại và ăn hại.

    Toàn bộ hệ thống thư lại nặng nề này chẳng những trì hoãn công việc, mà còn trói tay doanh nghiệp Mỹ trong cả vạn, cả triệu luật lệ và thủ tục nhiều khi vớ vẩn do các công chức rảnh hơi chế ra cho có việc làm, cũng như để Nhà Nước có tiền, thu đủ loại lệ phí, tiền phạt khi vi phạm luật lệ. Hệ thống thủ tục rườm rà đó cũng khiến doanh nghiệp Mỹ khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Một thí dụ cụ thể là rất nhiều kỹ nghệ Mỹ đã mở hãng xưởng tại TC hay các nước chậm tiến khác để tránh bớt những đòi hỏi về tôn trọng luật môi sinh, luật bảo vệ lao động, luật lương tối thiểu quá cao, và không biết bao nhiêu luật khác của Mỹ do đám Nhà Nước Ngầm ăn không ngồi rồi chế ra. Tất cả những thủ tục và luật lệ rườm rà đó tất nhiên bắt buộc giá thành của tất cả các món hàng gia tăng, bất kể hàng sản xuất ở Mỹ hay hàng nhập cảng. Cắt giảm thủ tục và luật sẽ giúp cắt giảm giá thành rất đáng kể, nghĩa là giúp giảm lạm phát và giúp phát triển kinh tế một cách cụ thể và hữu hiệu nhất.

    Bây giờ, với doanh gia Trump đứng đầu, được phụ giúp bởi hai doanh gia triệu phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy, cái hệ thống thư lại nặng nề đó sẽ được 'tinh giản' mạnh, cắt bỏ không nương tay.

Thị trường tài chánh nghĩ gì ?

    Ngay sau khi Trump đắc cử, chỉ số chứng khoán Dow Jones nhẩy vọt ngay 3.300 điểm hay 8% trong một tháng đầu. Nhưng rồi sau cơn hý hửng ban đầu, thị trường tài chánh tỉnh mộng, ý thức được gia tài kinh tế Biden để lại tệ hại hơn xa mức thiên hạ tưởng, và Trump sẽ gặp khó khăn lớn. Từ đỉnh cao đầu tháng Chạp tới cuối tháng Chạp 2024, Dow Jones đã rớt lại 2.000 điểm hay 4%. Ngày thứ Tư 18 tháng Chạp, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị khối NHDTLB cho biết lạm phát sẽ còn cao ít nhất trong năm 2025 trong khi kinh tế vẫn trì trệ -stagflation-. Ngay trong buổi trưa sau đó, Dow Jones rớt hơn 1.100 điểm.


    Như đã trình bày, những giải pháp của Trump là những hứa hẹn cùng với dự đoán dựa trên những biện pháp Trump đã tung ra trong nhiệm kỳ đầu. Trên lý thuyết, hiển nhiên nghe hợp tình hợp lý hơn xa biện pháp dùng luật lệ và trừng phạt để kiểm soát và giữ giá tránh lạm phát, đồng thời phát triển kinh tế theo mô thức CS của bà Kamala. 

    Dù hơn xa sách lược của bà Kamala, nhưng vẫn chỉ là khá hơn trên lý thuyết và trên giấy tờ. Sách lược kinh tế của TT Trump thành công hay không, hay thành công tới mức nào, dù sao cũng vẫn còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố mà tổng thống không hẳn đã kiểm soát hoàn toàn được. Hơn nữa, gia tài kinh tế Biden để lại thật thê thảm, mà nhiều chuyên gia kinh tế gọi là 'trái bom nổ chậm', một mặt phải chặn lạm phát, mặt khác vẫn tiếp tục phát triển, không phải là chuyện dễ làm hay có thể làm qua đêm, mà cần thời gian cũng như nhiều may mắn. 

    Do đó, mới phải nói kinh tế là vấn nạn lớn thứ nhì mà TT Trump sẽ phải đối phó. Ít ra thì nước Mỹ cũng đã chọn được một người có nhiều ý kiến mới lạ, có kinh nghiệm kinh tế tài chánh, và nhất là dám nói dám làm, nghĩa là đã chọn đúng người có khả năng nhất, có nhiều hy vọng thành công nhất.

    


ĐỌC THÊM:


Năm vấn đề kinh tế mà TT phải đối phó - Financial Times:

https://www.ft.com/content/1c14a0b4-e36a-4158-ba89-4ba1da9e6723?segmentId=b385c2ad-87ed-d8ff-aaec-0f8435cd42d9


Trump và lạm phát - TIME:

https://time.com/7175083/donald-trump-presidency-inflation/?utm_medium=email&utm_source=sfmc&utm_campaign=newsletter+brief+default+ac&utm_content=+++20241112+++body&et_rid=219369513&lctg=219369513