Cuộc chạy đua bên đảng Dân Chủ
tiếp tục xoay hướng đổi chiều bất tử. Khi cuộc
đua bắt đầu thì cụ Biden đè bẹp tất cả hai tá đồng chí đang hăm he dành giựt
cái ghế đại diện đảng DC lên võ đài với TT Trump. Nhưng sau đó thì thiên hạ mất
phương hướng, đầu óc bắt đầu rối bù khi các ứng cử viên thay phiên nhau, nổi
lên rồi biến mất.
Khiến người ta nhớ lại cuộc chạy
đua bên CH năm 2016. Cũng gần
hai tá sao chổi vọt qua khung cửa sổ, đến rồi đi, để rồi cuối cùng, ông Trump,
một người bắt đầu cuộc đua với tỷ lệ hậu thuẫn đâu 1%-2%, đắc cử làm đại diện cho đảng CH lên võ đài đấu với
Hy Bà Bà. Lịch sử tái diễn với anh Buttigieg chăng?
Trước hết, xin phép bắt đầu từ
màn kịch đầu tiên.
Khởi đầu, cụ Biden hoàn toàn
thống trị sân khấu DC với tỷ lệ hậu thuẫn đâu hơn một phần ba cử tri, với
hai tá ứng cử viên còn lại chia nhau hai phần ba còn lại.
Sự thống trị đó bị sứt mẻ mạnh
trong trận tranh cãi đầu tiên trên TV là nơi đã làm nổi bật bà thượng
nghị sĩ Cali Kamala Harris. Bà này đúng là hiện thân của ứng cử viên lý tưởng của
khối cấp tiến DC: cấp tiến không quá khích, phụ nữ, lại có máu da đen, đẹp,
duyên dáng, ăn nói mạnh bạo, đến từ tiểu bang có nhiều phiếu cử tri đoàn nhất vừa
ở cấp bầu sơ bộ trong nội bộ DC, vừa trong cuộc bầu tổng thống cuối cùng. Bà
Hillary nhìn bà Harris với cặp mắt cay cay, như đang nhìn vào tổng thống phụ nữ
đầu tiên của Mỹ.
Nhưng bong bóng Harris xì hơi
khá nhanh vì chẳng có gì đặc biệt ngoài tài đấm bể mũi cụ Biden.
Khi đó, ông Buttigieg vẫn còn
là một bóng mờ chưa ai để ý.
Ngôi sao mới của DC thay thế
bà Harris là cụ bà xã nghĩa Elizabeth Warren. Nhưng bà này gặp hai cái trở ngại lớn, thứ nhất là cùng quan điểm, giống như sanh đôi với cụ ông xã nghĩa
Sanders, khiến khối cấp tiến cực đoan nhất gặp bối rối, phân hoá giữa hai người.
Bà Warren cũng bị chất vấn vì các chương trình quá đồ sộ, không tưởng, tốn kém
tới hơn cả chục lần ngân sách của cả nước. Hậu thuẫn của bà hiện nay hình như
đã ổn định, khó leo cao hơn, nếu không muốn nói là có phần bắt đầu suy giảm.
Cử tri DC Mỹ nhìn qua nhìn lại,
chẳng còn bao nhiêu người, chợt thấy bóng dáng anh Buttigieg, là người có quan
điểm tuy cũng cấp tiến nhưng ôn hòa và thực tế hơn xa hai cụ đồng chí xã nghĩa,
mà có vẻ điềm tĩnh, chín chắn, đầu óc tỉnh táo hơn cụ Biden nhiều. Đã vậy, lại
còn có một điểm rất ăn khách trong khối cử tri cấp tiến trẻ là... đồng tính.
Ông Buttigieg là thị trưởng
thành phố South Bend, tiểu bang Indiana, là người ra mắt với tỷ lệ hậu thuẫn dưới
cả 1% như ông Trump trước đây, nhưng bây giờ đã thành ngôi
sao đang bừng sáng trong đảng DC tuy chưa lấn át được 3 lão đồng chí đang dẫn đầu
cuộc chạy đua.
Ông Buttigieg là một ứng cử
viên hạng rất xoàng khi mới bắt đầu cuộc chạy đua. Hầu như không ai để ý vì ông
là thị trưởng một thành phố lớn hơn Kontum của ta một chút. Ông đắc cử thị trưởng
với tổng số chưa tới 11.000 phiếu. Bây giờ, ông hy vọng sẽ có năm bẩy chục triệu người bỏ phiếu cho ông.
Ngoài ra, chẳng có một ly
thành tích nào khác, lý do chính là còn rất trẻ, mới có 37 tuổi. Trong thời gian làm thị trưởng, chắc vì chẳng
có việc gì phải làm tại thành phố tý hon này, ông đăng lính, tình nguyện gia nhập
quân đội. Năm 2014, ông là
trung úy tình báo hải quân, được gửi qua Afghanistan trong 7 tháng, nhưng phần lớn
thời gian là làm tài xế lái xe cho đơn vị trưởng. Không phải lính tác chiến,
cũng chẳng phải chuyên gia tình báo gì. Để hóa giải phần nào ‘thành tích’ ghê gớm
này, ông Buttigieg thường nói đùa ông từng làm nghề lái xe Uber tại Afghanistan.
Năm năm sau, ông trung úy tài xế cảm thấy dư sức làm tổng tư lệnh quân
lực.
Ông Buttigieg theo học Đại Học
Harvard rồi Oxford, nhưng chỉ có bằng cử nhân, bachelor.
Ông là người công khai đồng
tính, có ‘chồng’ (hay vợ?) là anh (hay chị?) Chasten Glezman, có chính thức và công khai ‘làm đám cưới’.
Đám cưới này đã gây xích mích gia đình lớn trong nhà anh Glezman, là một gia
đình công giáo nặng, đã không nhìn nhận đám cưới và từ luôn ông Glezman.
Trả lời những thắc mắc về kinh nghiệm yếu kém của ông, ông Buttigieg
tuyên bố ông là người đến từ một tỉnh nhỏ của tiểu bang Indiana, là tiểu bang
đã bầu cho TT Trump, nên ông hiểu rất rõ tâm lý quần chúng tỉnh CH nhỏ, nên biết
cách để hạ Trump. Nôm na ra, ông đã nhìn nhận chỉ có tự tin có thể hạ Trump chứ
không biết nói gì hơn về kinh nghiệm kinh bang tế thế. Hiển nhiên, ông
Buttigieg coi việc quản trị một thành phố với khoảng 100.000 dân cũng chẳng khác gì lãnh đạo cả nước Mỹ với hơn
300 triệu dân, hay thực tế
hơn nữa, lãnh đạo cả thế giới luôn.
Ông Buttigieg nổi lên trong thời
gian qua nhờ nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, như các cụ ta vẫn nói.
Thứ nhất, các đối thủ của ông
hay nói chung, tất cả các ứng cử viên tổng thống của đảng DC đều chẳng ai lọt
vào mắt xanh của đại đa số cử tri của đảng DC. Hai cụ xã nghĩa Sanders và
Warren có vẻ quá thiên tả cho khẩu vị Mỹ. Cụ Biden ôn hoà và nhiều kinh nghiệm
lớn nhưng hình như đã qua cái tuổi xuân quá lâu rồi, nên bây giờ lẩm cẩm, nói
sai, làm lộn nhiều chuyện, đã vậy lại còn bị đạn lạc trong vụ Ukraine bắn trúng
vài phát, chưa chết nhưng cũng bị thương, mà vết thương lại đang bị phe CH xé
ra cho to cho đau hơn nữa. Ngoài những lão đồng chí trên thì chẳng còn ai ra hồn.
Ngay cả ngôi sao Kamala Harris cũng chỉ là sao chổi, vụt qua rồi biến mất quá
nhanh. Các ông da đen Cory Booker, da vàng Andrew Yang, da nâu Julian Castro thực
tế chỉ đóng vai những chậu kiểng mang thêm màu mè vào cho cái đảng tự gọi là
túp lều trăm hoa đua nở.
Nói trắng ra, ông Buttigieg không phải là một thần tượng được nhiều người
say mê ủng hộ như ông Obama hồi mới ra tranh cử, nhưng cũng có công dụng trám lỗ trống vì không còn ai khác.
Thứ nhì, ông Buttigieg là người
tương đối ôn hòa, nói năng nhẹ nhàng, ít công kích người khác quá mạnh. Một
hình ảnh khiến một số lớn cử tri DC cảm thấy thoải mái hơn thái độ hung hăng đấm
đá quá bạo của bà Kamala Harris hay anh Cory Booker hay bà Tulsi Gabbard chẳng
hạn. Ngay cả các chương trình tranh cử của ông tuy cũng đượm màu cấp tiến,
nhưng ôn hòa, cách xa các chương trình cực đoan của các cụ xã nghĩa. Ông công
khai chỉ trích kế hoạch Medicare For All tuyệt đối, xoá bỏ mọi hình thức y tế
tư nhân của cụ bà Warren và cụ ông Sanders, trong khi ông cũng chủ trương
Medicare For All, nhưng vẫn duy trì một hệ thống y tế tư nhân để mọi người có
quyền lựa chọn. Ông Buttigieg cũng chống lại việc giáo dục miễn phí cho tất cả
vì ông chủ trương chỉ miễn phí cho những gia đình có lợi tức từ 100.000 đô một năm trở xuống thôi. Ông cũng là một
chính khách có quan điểm cấp tiến theo DC mà thành công tại một tiểu bang bảo
thủ theo CH, nghĩa là tương đối có quan điểm và cách làm việc khá uyển chuyển.
Thứ ba, ông Buttigieg cũng giống
như ông Trump ở điểm không phải là sản phẩm của chính trị bẩn thỉu, hủ lậu của đầm lầy Hoa
Thịnh Đốn mà là chính khách của tỉnh nhỏ, không lệ thuộc vào dàn máy chính trị
của thủ đô, với những mánh mung, cấu xé, thủ đoạn, cạm bẫy đủ loại, càng không
lệ thuộc vào tiền bạc của các đại tập đoàn hay đại tài phiệt. Cả hai ông Trump
và Buttigieg đều đến từ ngoài vòng đai thủ đô, nhưng ông Trump là đại tài phiệt
của thành phố lớn nhất thế giới, trong khi ông Buttigieg là chính khách nghèo
kiết xác, đến từ một thành phố nhỏ chỉ bằng một khu phố của New York.
Thứ tư, ông Buttigieg cũng là
một loại ‘người hùng’ được TTDC tung hô như là anh hùng đã dám bỏ ngang cái chức
tỉnh trưởng một thời gian ngắn để tình nguyện ‘hy sinh xương máu’ đi tham chiến
tận Afghanistan, cho dù chỉ là đi làm “tài xế Uber”.
Thứ năm, ông Buttigieg, mà diễn
đàn này ‘phạm thượng’, thường gọi là ‘chị’ Buttigieg, là người đồng tính công
khai, một người mà xu thế thời thượng cấp tiến muốn tôn vinh như những người
hùng của xã hội tiến bộ, dám đi tiên phong, phá đổ những phong tục hủ lậu kiểu
như tình yêu và cưới hỏi phải là giữa hai người khác giới tính.
Trong chính trị Mỹ hiện nay,
khối đồng tính đã liên minh với các khối thiểu số khác như khối chuyển giới, khối
lưỡng giới, để trở thành một liên minh chính trị rất mạnh tuy rất ít người. Khối
người này đã thành công lật được một trang sử lớn khi họ ép buộc được TT Obama,
PTT Biden, và cả bà ngoại trưởng Hillary phải thay đổi quan điểm, chấp nhận hôn nhân đồng tính ngay trong mùa tranh cử năm 2012.
Khối này rất nhỏ tính trên đầu
người, nhưng ồn ào nhất và cũng là khối được giới cấp tiến ủng hộ mạnh nhất để
chứng tỏ họ là những người văn minh, tiên tiến. Khối đồng tính đang được hậu
thuẫn chính trị rất mạnh của TTDC và hậu thuẫn tài chánh mạnh hơn nữa của giới
ca sĩ, tài tử Hồ Ly Vọng, cũng như hậu thuẫn tinh thần của giới trí thức trẻ.
Nếu đắc cử, ông Buttigieg sẽ
là tổng thống đồng tính đầu tiên trong lịch sử Mỹ nói riêng và thế giới nói
chung. Biết đâu có cụ tỵ nạn thích tổng thống phải là ‘người đầu tiên' gì đó, kiểu
như tổng thống da đen đầu tiên, hay tổng thống phụ nữ đầu tiên, sẽ hồ hởi bầu cho ông Buttigieg để
Mỹ có ‘tổng thống đồng tính đầu tiên’, bất kể kinh nghiệm, khả năng chăng?
Tóm lại, ông Buttigieg có nhiều
điểm tích cực, giúp ông leo thang tuy chậm nhưng khá chắc, ít nhất là cho tới
nay.
Đã vậy, gần đây một số tai to
mặt lớn thời Obama đã nhẩy ngựa chạy theo ông Buttigieg, trong đó có cố vấn trưởng
kinh tế là ông Austan Goolsbee, và cố vấn trưởng về Obamacare, bà Linda
Douglass.
Dù vậy, ông Buttigieg cũng không phải là người hoàn hảo. Ông cũng có khá
nhiều hành lý nặng nề lôi theo.
Hành lý lớn đầu tiên dĩ nhiên là cái kinh nghiệm thị trưởng một thành phố
cỡ Kontum, chưa bao giờ phải nói chuyện với bất cứ lãnh đạo
thế giới nào. Thử thưởng tượng cái tướng ông TT Buttigieg non choẹt đứng trước
Putin hay Tập Cận Bình, hay ngay cả Cậu Ấm Ủn, hay tổng thống Pháp, thủ tướng
Anh,… Kinh nghiệm lái xe Jeep bên Afghanistan có lẽ chưa đủ để đối phó với ISIS
hay Taliban hay Al Qaeda. Kinh nghiệm đếm bạc cắc trong ngân sách vài triệu đô
của tỉnh South Bend chắc cũng không đủ để quản trị ngân sách mấy ngàn tỷ của cả
nước Mỹ.
Hay ngay cả việc đối phó với những tay ma đầu chính trị, tài phiệt hạng nặng
của Mỹ cũng chưa có dịp thử lửa.
Mà cũng chưa biết mùi xảo trá của TTDC. Bây giờ ông Buttigieg có thể đang
hưởng tuần trăng mật với TTDC, nhưng một khi đắc cử tổng thống thì bảo đảm TT
Buttigieg sẽ được hưởng tuần dập mật với TTDC ngay.
Nhiều nhà báo đã bàn về cách ông Buttigieg trả lời các câu hỏi cụ thể
liên quan đến kinh nghiệm và kế hoạch cụ thể của ông Buttigieg: trả lời theo kiểu
Mỹ gọi là … bullsh…! Đại khái là nói
bá láp, lòng vòng chẳng có nghĩa gì hết và chẳng trả lời gì hết.
Cái hành trang lớn thứ hai của ông Buttigieg là vấn đề tôn giáo. Chưa biết
tương lai vài chục năm hay vài năm nữa ra sao, nhưng cho tới bây giờ, hình như
chưa có tôn giáo nào chấp nhận đồng tính hết. Vì ông ý thức rõ công giáo không
hồ hởi với chuyện đồng tính, nên vì muốn kiếm lại phiếu của khối công giáo, ông
Buttigieg đã nhiều lần nhấn mạnh niềm tin tôn giáo của ông.
Ông Buttigieg mới đây đã chọn cách biểu dương niềm tin của ông bằng cách
công kích PTT Mike Pence. Ông Pence trước đây là thống đốc tiểu bang Indiana là
tiểu bang có thành phố South Bend của ông Buttigieg. Hai ông đã có nhiều xung đột
từ thời đó. Đặc biệt trong vấn đề đồng tính của ông Buttigieg, là chuyện thống
đốc Pence từng nhiều lần công kích. Ông Pence được hậu thuẫn rất mạnh của khối
gọi là ‘Fundamentalist’ là khối Thiên Chúa giáo rất bảo thủ và rất mạnh trên
phương diện chính trị với cả triệu cử tri trung kiên.
Bây giờ, ông Buttigieg khơi lại đống tro tàn. Công kích PTT Pence và khẳng
định “việc tôi là đồng tính đã mang tôi lại gần với Chúa hơn; nếu ông Pence có
vấn đề gì thì đừng chỉ trích tôi, mà hãy chỉ trích Đấng đã tạo ra tôi”.
Ông Buttigieg làm đám cưới với ông Glezman tại một nhà thờ, có một ông
cha ban phước đầy đủ.
Nếu khối Fundamentalist chống, ông Buttigieg sẽ gặp trở ngại lớn khó vào
được Tòa Bạch Ốc.
Hành trang thứ ba của ông Buttigieg còn lớn hơn cả hai cái rương hành
trang trên: đó là xung khắc với khối dân da đen.
Điểm đầu tiên là khối dân da đen nói chung vẫn chưa chấp nhận đồng tính.
Ông Buttigieg hiểu được chuyện này nên tìm cách xí xóa câu chuyện, đồng hóa
tình trạng kỳ thị đồng tính với tình trạng kỳ thị da đen. Ông tuyên bố trong tư
thế đồng tính, ông cũng đã là nạn nhân của kỳ thị không khác gì dân da đen đã từng
là nạn nhân của kỳ thị, do đó, ông rất thông cảm nỗi ấm ức của dân da đen.
Trong thời gian gần đây, ông đã tham dự nhiều lễ lạc tại các nhà thờ da đen,
tìm cách hòa mình với khối dân này. Tuy nhiên, thăm dò tại South Carolina, là
tiểu bang thứ ba có bầu sơ bộ tổng thống, cho thấy ông Buttigieg có tổng cộng
đúng… zero hậu thuẫn trong khối dân da đen.
Thật ra, ông không được hậu thuẫn của dân da đen phần lớn không phải vì
ông đồng tính, mà vì ông đã có một hành động mà dân da đen thề không bỏ qua khi
ông còn là thị trưởng South Bend.
Khi đó, năm 2012, South Bend có cảnh sát trưởng da đen tên là Darryl
Boykins. Ông này nghi ngờ các cộng sự viên da trắng của ông là kỳ thị da đen,
đang âm mưu hại ông chuyện gì đó, nên ông cho gắn máy nghe điện thoại lén những
cộng sự viên này. Ông thị trưởng Buttigieg khám phá ra, lột chức cảnh sát trưởng
của ông Boykins vì chuyện phạm pháp này. Ông này thưa ông Buttigieg ra tòa về tội
kỳ thị da đen. Không rõ việc thưa kiện đã đi đến đâu, chỉ biết dân da đen dĩ
nhiên đã đứng về phiá ông cảnh sát trưởng và tố ông Buttigieg kỳ thị thật. Nhiều
lãnh tụ khối da đen như mục sư Al Sharpton không cần biết sự thật ra sao, đã đổ
dầu vào lửa như thường lệ, tìm cách khích động khối dân này.
Đã vậy, hồi tháng Sáu mới đây, lại xẩy ra một vụ xung đột khác với dân đa
đen tại South Bend.
Một ngày đẹp trời, có người gọi cảnh sát, báo có một người đáng nghi ngờ
đi lại trong một bãi đậu xe, có vẻ như muốn tìm cách ăn cắp xe hay ăn cắp đồ đạc
trên các xe đâu tại đây. Cảnh sát tới và bắt anh da đen Eric Jack Logan, 53 tuổi. Theo báo cáo của cảnh sát, anh
Logan cầm dao tấn công viên cảnh sát da trắng Ryan O’Neil, anh O’Neil rút súng
bắn anh Logan. Anh này chết tại nhà thương.
Trong một cuộc họp với dân South Bend cùng với cảnh sát trưởng da trắng,
ông Buttigieg tìm cách bào chữa cho cảnh sát, nhưng bị dân cư, phần lớn là dân
da đen, phản đối, la hét lấn át không cho ông nói chuyện. Một lần nữa, ông
Buttigieg lại bị khối dân da đen công khai và ồn ào tố là kỳ thị da đen.
Ngoài ra, khối dân da đen đa số càng ngày càng đi về phiá tả, ủng hộ
chính sách xã nghĩa, trợ cấp và miễn phí đủ thứ của các cụ xã nghiã Sanders và
Warren. Theo thăm dò mới, ba phần tư dân da đen ủng hộ giải pháp Medicare For
All của hai cụ xã nghĩa. Số đông không ủng hộ xã nghĩa còn lại thì ủng hộ cụ
Biden là cánh tay mặt của tổng thống da đen Obama, thần tượng của họ. Ngoài ra,
khối dân da đen cũng còn ông Cory Booker là da đen thứ thiệt đang tranh cử. Nôm
na ra, ông Buttigieg không có chỗ đứng trong khối dân da đen.
Nếu cuối cùng, ông Buttigieg trở thành đại diện cho đảng DC ra chống TT
Trump, nhiều chuyên gia lo ngại đại đa số khối dân da đen sẽ nản chí, nằm nhà,
không đi bầu. Mà không có phiếu dân da đen thì đảng DC hoàn toàn vô vọng.
Nhìn chung, ông Buttigieg rất khó qua được cuộc tuyển lựa nội bộ của đảng
DC. Ít người nghĩ ông hiện đang đứng hạng tư, có thể hạ 3 cụ khủng long đang đứng
trên top danh sách DC. Nếu vì các đối thủ DC của ông quá tệ khiến ông đột nhiên
nhẩy lên top, trở thành đại diện cho đảng DC ra chống TT Trump thì hy vọng đắc
cử của ông chắc nhỏ hơn hạt tiêu.
Không có hậu thuẫn của khối dân da đen, cũng chẳng có hậu thuẫn của khối
dân da nâu vì ông chẳng có quan hệ gì với khối này, lại cũng không được hậu thuẫn
của khối Thiên Chúa giáo, ông Buttigieg không thể trông chờ vào hậu thuẫn của một
nhúm giới trẻ cấp tiến để mở cánh cửa Tòa Bạch Ốc cho ông.
Còn hai tháng nữa mới có bầu sơ bộ đầu tiên tại Iowa và New Hampshire.
Ông Buttigieg đã đánh cá tất cả gia tài vốn liếng tiền bạc cũng như chính trị
vào hai cuộc bầu này, và cho đến nay, có vẻ đã thành công khi ông ngoi lên hàng
đầu, với tỷ lệ hậu thuẫn cao hơn tất cả các đồng chí DC. Cho dù ông đạt được số
phiếu cao nhất thì cũng chỉ mới là hai tiểu bang ̣đầu tiên thôi. Còn 48 tiểu bang nữa. Và nhất là còn... TT Trump.
Con đường vào Toà Bạch Ốc của
ông Buttigieg còn xa vời vợi. Ta chờ xem.